Điểm tin quốc tế chiều 12/03/2022: Chile có Tổng thống trẻ nhất lịch sử

Nga phản đối các phát ngôn thù địch trên mạng xã hội nhằm vào quân đội Nga; Mỹ cấm nhập khẩu rượu, hải sản, kim cương Nga; Liên Hợp Quốc kêu gọi chấm dứt xung đột tại Syria; Chile có Tổng thống trẻ nhất lịch sử;... là những tin tức quốc tế đáng chú ý chiều ngày 12/03/2022.

Nga phản đối các phát ngôn thù địch trên mạng xã hội nhằm vào quân đội Nga

Xung đột Nga-Ukraine đã khiến cho các công ty mạng xã hội phải đau đầu tìm kiếm giải pháp kiểm soát các luồng thông tin dồn dập trong khi vẫn duy trì một môi trường mạng ổn định dưới sức ép của chính phủ tất cả các bên.

Hãng tin Reuters đưa tin, Meta – công ty mẹ của mạng xã hội Facebook đang tạm thời thay đổi chính sách phát ngôn thù hận của mình và cho phép kêu gọi bạo lực đối với quân đội Nga và một số người Nga nhất định. Cụ thể hơn, Meta sẽ cho phép kêu gọi hành động bạo lực và phát ngôn thù hận trên Facebook đối với quân đội Nga (trừ tù nhân chiến tranh) và người Nga trong ngữ cảnh liên quan đến chiến tranh. Thay đổi của Meta sẽ áp dụng với các quốc gia sau: Armenia, Azerbaijan, Estonia, Gruzia, Hungary, Latvia, Litva, Ba Lan, Romania, Nga, Slovakia và Ukraine.

Đáp trả lại thay đổi này, Đại sứ quán Nga tại Mỹ đã yêu cầu Washington dừng ngay “hoạt động cực đoan” của Meta. Ngày 12/3, người đứng đầu Instagram Adam Mosseri cho biết Nga sẽ chặn Instagram tại quốc gia này từ ngày 14/3. Quy trình để chặn Instagram đã được cơ quan quản lý truyền thông Nga Roskomnadzor hoàn thành ngày 11/3.

Bà SVETLANA PETRENKO, Người phat ngôn Ủy ban điều tra Nga: "Ủy ban điều tra của Nga đã mở vụ án hình sự liên quan đến việc cho phép kêu gọi bạo lực đối với quân đội Nga và một số người Nga nhất định từ phía các nhân viên của công ty META.” 

Bên cạnh Meta, YouTube cũng đã có động thái mới trong quá trình kiểm soát thông tin xung đột Nga-Ukraine. Mạng xã hội video này thông báo sẽ chặn các kênh truyền thông nhà nước Nga trên toàn thế giới, bao gồm TASS, RT và Sputnik. Lý do được đưa ra ở đây là các kênh này lan truyền thông tin phủ nhận, giảm thiểu hoặc tầm thường hóa “sự kiện bạo lực” được ghi nhận chi tiết và rõ ràng. “Sự kiện bạo lực” ở đây chính là chiến sự tại Ukraine.

Mỹ cấm nhập khẩu rượu, hải sản, kim cương Nga

Nhà Trắng hôm qua tuyên bố, Mỹ sẽ cấm nhập khẩu đồ uống có cồn, hải sản và kim cương từ Nga. Thời hạn để hoàn tất nhập khẩu các sản phẩm này là trước ngày 25/3.

Theo thông báo từ Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden đã ký sắc lệnh cấm nhập khẩu một số sản phẩm có nguồn gốc từ Nga bao gồm cá, hải sản và các chế phẩm, đồ uống có cồn, kim cương phi công nghiệp, và bất cứ sản phẩm nào khác có xuất xứ từ Nga được xác định bởi Bộ trưởng Tài chính thông qua tham vấn với Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Thương mại. Hạn chót để hoàn tất việc nhập khẩu các sản phẩm bị cấm trong danh sách trên (với điều kiện giao dịch ký trước ngày 11/3) là 00h01’ ngày 25/3 (giờ Mỹ). Trước đó ngày 10/3, chính phủ Nga thông báo cấm xuất khẩu hơn 200 sản phẩm và thiết bị đến cuối năm 2022 để đảm bảo sự ổn định của thị trường trong nước.

Liên Hợp Quốc kêu gọi chấm dứt xung đột tại Syria

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, ngày 11/3, đã kêu gọi ngừng bắn ở Syria, nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 11 năm tại quốc gia Trung Đông này.

Trong tuyên bố đánh dấu 11 năm xảy ra xung đột tại Syria , Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh 11 năm “giao tranh khốc liệt” tại quốc gia Trung Đông này đã gây hậu quả “không thể chấp nhận được,” dẫn tới nhiều hành vi vi phạm nhân quyền . Ông Guterres chỉ rõ sự tàn phá mà người Syria đã phải chịu đựng là quá lớn với mức độ thảm khốc mà ít có nơi nào có thể so sánh được trong lịch sử hiện đại. Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các bên liên quan tham gia vào tiến tiến trình chính trị do Liên hợp quốc khởi xướng và kêu gọi sự hỗ trợ từ nhiều nước và các tổ chức để mở rộng hoạt động nhân đạo Ông lưu ý rằng sự tàn phá chậm chạp nhưng có hệ thống của cơ sở hạ tầng cơ bản trên khắp đất nước kể từ cuộc nội chiến bắt đầu vào năm 2011 sau cái gọi là “Mùa xuân Arab,” đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế và hiện nay, nhu cầu hỗ trợ nhân đạo đang ở mức cao nhất kể từ khi xung đột bùng nổ.

Chile có Tổng thống trẻ nhất lịch sử

Ngày 11/3, ông Gabriel Boric đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Chile, trở thành vị tổng thống trẻ tuổi nhất của quốc gia Nam Mỹ này sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 12/2021. Trong cương lĩnh tranh cử, ông Gabriel Boric cam kết sẽ loại bỏ mô hình kinh tế tân tự do của Chile; đồng thời cam kết sẽ giảm giờ làm việc từ 45 giờ/tuần xuống còn 40 giờ/tuần, để thúc đẩy “sự phát triển xanh” và tạo ra 500.000 việc làm cho phụ nữ; cải cách hệ thống lương hưu và chăm sóc sức khỏe của Chile để tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận. Theo đánh giá, nhiệm kỳ tổng thống của ông Boric sẽ phải đối diện với nhiều thách thức lớn, nhất là trong việc hàn gắn xã hội bị phân cực tại Chile. Đây là một nhiệm vụ khó khăn bởi Chile đang đối mặt sự chia rẽ ý thức hệ rất lớn do Covid-19 gây ra.

Bùi Thảo