• 2527 lượt xem
  • 14:12 29/04/2022
  • Xã hội

Điểm mù giao thông: Thêm ô nhiễm tiếng ồn bởi lái xe bấm còi như "đánh đàn piano"

Nếu không phải đang lái xe trên đường thì mọi người dễ lầm tưởng tài xế này giống một nghệ sĩ biểu diễn trong dàn nhạc hơn là lái xe. Trên suốt chặng đường di chuyển, không lúc nào anh ta ngừng bấm còi như thể theo một giai điệu nào đó. Nhưng chắc chắn người tham gia giao thông không thích điều này.

Không thích là đã nói giảm nói tránh, thực ra khi bị bấm còi liên tục, đặc biệt là loại còi hơi mà xe tải và xe khách thường dùng không khác gì bị tra tấn. Việc sử dụng còi xe được coi là văn hóa ngón tay cái. Âm thanh ồn ào của đường phố cộng thêm tiếng còi "đinh tai nhức óc" đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như tính mạng của người đi đường.

Nhiều nước trên thế giới đã cấm sử dụng còi xe một cách liên tục hoặc gây ồn ào quá mức trong thành phố. Tại TP. New York (Mỹ), người sử dụng còi xe sai quy định có thể bị phạt 350 USD (khoảng 7,5 triệu đồng Việt Nam). Ở Singapore, ngoại trừ trường hợp cần thiết để tránh va chạm, những ai bấm còi khi xe đang dừng sẽ bị phạt 70 SGD (1,2 triệu đồng), thậm chí có thể hầu tòa với mức án 3 tháng tù. Chính quyền Peru còn quy định những tài xế bấm còi với âm lượng giống như còi xe cảnh sát hoặc xe cứu thương sẽ bị phạt 47 USD và có thể bị tịch thu xe.

Luật Giao thông đường bộ quy định: “Nghiêm cấm các hành vi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22h đêm đến 5h sáng, bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định. Mức phạt cho hành vi này từ 200.000 đến 1.000.000 đồng.

Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, tiếng còi xe xuất hiện đột ngột với âm lượng cực đại còn gây tác động mạnh đến hệ thần kinh, không thiếu trường hợp người đi xe máy vì nghe tiếng còi ôtô mà giật mình đổ xe và dẫn đến tai nạn chết người.

Khi bị tiếng còi dí sau lưng, hầu hết mọi người đều có cảm giác bồn chồn, mong muốn thoát thật nhanh việc không làm phiền người khác. Nhưng tình huống chúng ta chứng kiến sau đây có lẽ không đúng như vậy.

Clip được là ghi tại đèo Bảo Lộc, khi một người đàn ông đi xe đạp đang di chuyển xuống đèo. Có lẽ chiếc xe đạp phanh không được đảm bảo nên người đàn ông trong suốt chặng đường phải dùng chân đè dép xuống đường để giảm tốc độ. Điều đáng bàn là hành vi của lái xe phía sau khi có những lời lẽ không hay và dùng còi liên tục để thúc giục người đạp xe đạp.

Chính tài xế ôtô sau khi đăng tải đoạn clip này đã nhận lại phản ứng ngược và bị lên án vì hành vi dùng còi bừa bãi của mình. Khi thấy người đàn ông điều khiển xe đạp có thể gặp nguy hiểm nhưng vẫn thúc giục là việc hoàn toàn không nên làm.

Đèo Bảo Lộc khá nổi tiếng với vẻ đẹp và sự nguy hiểm với các lái xe khi di chuyển qua đây, vì vậy việc tham gia giao thông bằng bất cứ phương tiện nào cũng cần đảm bảo các yếu tố an toàn. Hành vi của lái xe ôtô là không tốt nhưng cũng không khuyến khích mọi người bất chấp an toàn mà di chuyển bằng mọi giá nhất là khi phương tiện không có đủ các biện pháp an toàn.

Lê Huy