• 1885 lượt xem
  • 02:23 24/06/2023
  • Xã hội

Điểm hạ kịch sàn, học phí kịch trần

Thời điểm này, nhiều trường Đại học đã công bố điểm chuẩn của phương thức xét tuyển bằng học bạ bậc THPT. Đây là một trong những phương thức xét tuyển chiếm ưu thế trong mùa tuyển sinh trước và rất nhiều thí sinh tìm kiếm cơ hội trúng tuyển từ phương thức này.

TUYỂN SINH ĐẠI HỌC: ĐIỂM HẠ KỊCH SÀN

Năm nay, một số trường có mức điểm chuẩn học bạ khá thấp, chỉ bằng mức sàn 15 điểm ba môn, cũng có thể trúng tuyển đại học.

Bên cạnh việc ôn tập chuẩn bị cho các kỳ thi sắp tới, nhiều thí sinh cũng nộp hồ sơ học bạ vào khá nhiều trường Đại học.

Với nhiều trường, xét học bạ góp phần tuyển sinh tốt hơn. Năm ngoái, tỷ lệ học sinh chọn xét tuyển bằng kết quả bậc THPT đứng thứ 2 sau phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp.

Học bạ năm nay chúng tôi lấy khoảng 35% chỉ tiêu tuyển sinh, trong 19 ngành đào tạo. Đến nay chúng tôi đã nhận hồ sơ của các em.

Gia tăng phương thức xét tuyển học bạ, nhiều trường cũng “tạo điều kiện” hơn để học sinh đạt điểm giỏi, xuất sắc ở bậc phổ thông. Dù lạm phát điểm như vậy, mức điểm xét tuyển học bạ ở một số trường vẫn rất thấp, chỉ 5- 6 điểm học bạ mỗi môn có thể trúng tuyển đại học. 

Mức điểm xét tuyển “kịch sàn” như vậy đặt ra nhiều lo ngại về chất lượng đào tạo đại học, nhất là khi phương án tuyển sinh này đang ngày càng nở rộ. 

HỌC PHÍ KỊCH TRẦN

Bên cạnh xu hướng hạ điểm kịch sàn để thu hút thí sinh, cũng có nhiều trường top đầu, sẵn danh tiếng và thương hiệu chuyển sang tăng học phí với mức cao. Điều này gây nhiều khó khăn cho người học.

Vừa ôn luyện ngày đêm để thi đại học, Nhật Anh cũng phải cân nhắc đến nhiều yếu tố khác khi chọn trường. Đặt mục tiêu vào Đại học Y Hà Nội, em vẫn còn băn khoăn về mức học phí tăng mạnh.

Nhiều trường đã có lộ trình tăng học phí từ năm 2022 theo nghị định 81. Như trường Đại học Luật Hà Nội, dự kiến tăng gấp đôi ở thời điểm năm ngoái. Tuy nhiên, sau đó, việc tăng học phí được trì hoãn cho tới năm nay.

Nhiều trường đại học chưa công bố mức học phí của năm học tới với lý do chờ thông tin hướng dẫn, trong khi mùa tuyển sinh đã cận kề. Điều này gây không ít lo lắng cho thí sinh, liệu mình có khả năng chi trả tại ngôi trường mình thi vào.

Trong 2 năm chịu tác động vì dịch Covid-19, các trường đại học đều trì hoãn tăng học phí để chia sẻ cùng xã hội. Việc đại học tăng học phí trong năm nay được cho là cần thiết để nhà trường có nguồn tái đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo. Xong cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, để nâng cao chất lượng đại học cần cả những nguồn đầu tư khác, chứ không chỉ trông chờ tăng thu học phí như hiện nay.

TỰ CHỦ "TĂNG THU BÙ CHI" CÓ HỢP LÝ?

Có thể thấy rõ 2 xu hướng hiện nay ở các trường đại học: Hoặc hạ điểm, hoặc tăng học phí, hầu như đều hướng đến gia tăng nguồn thu để có cơ sở bù đắp cho các khoản ngân sách đang ngày càng hạn hẹp vì tự chủ. Tự chủ đại học giúp cho các trường có thêm nhiều quyền tự quyết, xong đặt ra nhiều vấn đề về đảm bảo chất lượng giáo dục, đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Làm sao để không gây khó cho các trường đại học mà vẫn không làm méo mó các mô hình đại học đang thu hút nhiều sự quan tâm từ các đại biểu và cử tri.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!

Phan Hằng - Đỗ Minh - Hồng Dũng – Như Huỳnh