Điểm báo: Xử lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nợ thuế "đầm đìa"

Xử lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nợ thuế "đầm đìa"; Báo động ô nhiễm không khí: Nhiều nơi vẫn thờ ơ; Thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý học đường; Thu nhập gấp 3 ngày thường, doanh nghiệp vẫn khó tuyển bảo vệ dịp Tết;...Là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 6/2.

XỬ LÝ, THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO DOANH NGHIỆP NỢ THUẾ "ĐẦM ĐÌA"

Với các doanh nghiệp (DN) nợ thuế, hiện đã có các quy định về thu hồi nợ, cưỡng chế. Song, thực tế khó khăn cũng đặt ra vấn đề quản lý nợ hiệu quả, để DN có thể “sống sót” và tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình. 

Tổng số tiền nợ thuế ngành thuế quản lý ước tính đến thời điểm 30-12-2023 là 163.591 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2022. Vấn đề đặt ra là làm cách nào để việc “siết nợ” thuế không góp phần đẩy các DN đang lao đao xuống bờ vực, không còn khả năng hoạt động để tiếp tục nộp thuế. Bởi các biện pháp cưỡng chế ít nhiều đều gây khó, áp lực để buộc DN phải trả nợ thuế. Chẳng hạn, khi bị áp dụng biện pháp ngưng sử dụng hóa đơn, nếu DN tiếp tục phát sinh hoạt động kinh doanh thì phải mua hóa đơn lẻ và chấp nhận nộp 18% giá trị hóa đơn. Trong thời gian tớim cơ quan thuế vẫn kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế, tuy nhiên cũng cố gắng bám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của từng DN để động viên, tháo gỡ cho DN nộp ngân sách nhà nước. Trong đó, Cục Thuế tại các địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng lập đoàn công tác, đôn đốc các DN có số nợ lớn hoàn thành nghĩa vụ thuế.


BÁO ĐỘNG Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ: NHIỀU NƠI VẪN THỜ Ơ

Ô nhiễm không khí là vấn đề môi trường rất nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến sức khỏe người dân, được nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, tại Việt Nam, dù ô nhiễm không khí thường xuyên xảy ra nhưng người dân, cùng các bộ ngành địa phương dường như vẫn “thờ ơ”. 

Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí chủ yếu là do kiểm soát không tốt các nguồn phát thải. Rất nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, với mục đích tăng lợi nhuận tối đa đã không lắp đặt hoặc lắp đặt nhưng vận hành chưa tốt các hệ thống xử lý khí thải. Dễ thấy nhất là một số nhà máy sản xuất xi măng, cơ sở tái chế nhựa, giấy, kim loại. Các phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt xe máy chạy xăng cũng là một nguồn thải chính. Trong khi số lượng xe ngày càng tăng, khí thải lại không được kiểm tra kiểm soát định kỳ như các nước đã làm. Đa số cơ quan quản lý từ trung ương tới địa phương vẫn chưa nắm được cụ thể ngành nào, cơ sở sản xuất nào gây ô nhiễm không khí là chủ yếu, ở mức độ nào, tại sao, để tập trung nguồn lực giải quyết dứt điểm.

THÍ ĐIỂM MÔ HÌNH CUNG CẤP DỊCH VỤ TƯ VẤN TÂM LÝ HỌC ĐƯỜNG 

Từ tháng 2 đến tháng 8/2024 tại 6 địa phương gồm: Hà Nội, TPHCM, Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Thanh Hóa sẽ tiến hành thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý trường học.

Mục đích của kế hoạch nhằm triển khai các quy định và hướng dẫn tổ chức hoạt động công tác xã hội, tư vấn tâm lý trong trường học trong việc hỗ trợ, bảo vệ học sinh. Hiện nay công tác xã hội trong trường học bao gồm 4 mức độ: Rà soát, phát hiện nguy cơ; phòng ngừa; can thiệp và trợ giúp; hỗ trợ sự phát triển của học sinh. Song đa phần giáo viên không có chuyên môn về công tác xã hội nên không thể đánh giá, ghi nhận hết tất cả vấn đề học sinh gặp phải để có định hướng hỗ trợ phù hợp... Các chuyên gia nhận định, bản thân giáo viên cần được tham vấn tâm lý để giải tỏa những bức xúc, những vấn đề họ gặp phải. Nhiều trường học có phòng tham vấn tâm lý học đường nhưng lại đang mặc định chỉ giải quyết các vấn đề của học sinh trong khi để tạo lập môi trường sư phạm văn minh, hạnh phúc, không thể thiếu vai trò của người thầy. Ngoài kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, giáo viên cũng có nhu cầu được trang bị kỹ năng giải quyết tình huống.


THU NHẬP GẤP 3 NGÀY THƯỜNG, DOANH NGHIỆP VẪN KHÓ TUYỂN BẢO VỆ DỊP TẾT 

Tết Nguyên đán ngày càng cận kề, song nhu cầu tuyển dụng ở một số nhóm ngành liên quan đến thương mại dịch vụ vẫn tiếp tục tăng nóng. Trong đó, dịch vụ an ninh bảo vệ đang rất “khát” lao động do khan hiếm nguồn cung ở thời điểm này, dù mức thu nhập có thể gấp 3 ngày thường…

So với thời điểm khác trong năm, nhu cầu tuyển dụng bảo vệ dịp này tăng từ 20 - 30% để tăng cường an ninh cho các tòa nhà, khu chung cư. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp thì lớn, song khó khăn trong tìm kiếm ứng viên do thời điểm cận kề dịp lễ, Tết, người lao động làm toàn thời gian rất ít khi nhảy việc. Vì vậy, tuyển dụng với nhóm lao động ở khu vực chính thức thời điểm hiện tại sẽ hạn chế hơn. Hiện những công việc như thời vụ, bán thời gian sẽ thu hút lao động phi chính thức lựa chọn hơn. Thông qua hoạt động thu thập thông tin, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội dự báo trong quý 1/2024, tại Hà Nội có nhu cầu tuyển dụng từ 100.000 – 120.000 lao động. Thương mại – dịch vụ vẫn là nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động cao hơn cả…

Truyền hình Quốc hội Việt Nam