Điểm báo quốc tế ngày 27/02: Nga nối lại chiến dịch quân sự do Ukraine từ chối đàm phán

Kiev đã từ chối đàm phán với Moskva, khiến các lực lượng của Nga phải nối lại chiến dịch quân sự tại Ukraine. Đây là tuyên bố được đưa ra bởi Điện Kremlin vào ngày hôm qua 26/02, trong bối cảnh ngay trước đó, các chiến dịch quân sự của Nga đã được tạm ngừng để mở đường cho các cuộc đàm phán.

NGA NỐI LẠI CHIẾN DỊCH QUÂN SỰ DO UKRAINE TỪ CHỐI ĐÀM PHÁN
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, nêu rõ: "Phía Ukraine đã từ chối đàm phán. Các lực lượng Nga đã nối lại chiến dịch." Trước đó, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 25/2 đã ra lệnh tạm ngừng các chiến dịch quân sự để mở đường cho các cuộc cuộc đàm phán đã lên kế hoạch trước đó với Ukraine và sẵn sàng cử một phái đoàn đến Belarus để đàm phán.Về phía Ukraine, cố vấn Văn phòng Tổng thống, Oleksiy Arestovich ngày 26/2 cho biết Kiev từ chối đàm phán vì các điều kiện mà Nga đề xuất là "không thể chấp nhận được" đối với Ukraine.Theo Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Nga đã nối lại hoạt động quân sự tại Ukraine được nối lại “từ mọi hướng”, xác nhận quân đội Nga đã chiếm sân bay quân sự Gostomel, cách thủ đô Kiev 17km về phía Đông Bắc. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng, nằm gần sân bay quốc tế Antonov, cho phép quân đội Nga đưa ra các bước đi tiếp theo của chiến dịch quân sự đặc biệt.Các nguồn tin ngoại giao cho biết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến triệu tập một cuộc họp vào chiều 27/2 theo giờ địa phương để biểu quyết về một nghị quyết kêu gọi tiến hành phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc về hành động quân sự của Nga ở Ukraine.

NGA BỊ LOẠI KHỎI HỆ THỐNG THANH TOÁN TOÀN CẦU
Các ngân hàng trên thế giới sử dụng SWIFT để hoàn tất giao dịch và hoạt động chuyển khoản. Việc cắt Nga khỏi hệ thống SWIFT sẽ ngăn các ngân hàng nước này tiến hành hầu hết các giao dịch tài chính trên toàn thế giới, từ đó chặn hoạt động xuất nhập khẩu của Nga.

Bà URSULA VON DER LEYEN - Chủ tịch Ủy ban châu Âu: “Chúng tôi quyết tâm áp đặt những biện pháp trừng phạt để cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính quốc tế và các nền kinh tế, với sự phối hợp của Tổng thống Mỹ, Tổng thống Pháp, Thủ tướng Italia, Thủ tướng Canada và Thủ tướng Anh. Đầu tiên, chúng tôi cam kết đảm bảo rằng một số ngân hàng của Nga sẽ bị xóa khỏi hệ thống SWIFT. Chúng tôi sẽ làm tê liệt tài sản của ngân hàng trung ương Nga, đóng băng các giao dịch.”

Thủ tướng Anh BORIS JOHNSON: “Chúng ta cần đảm bảo rằng các biện pháp trừng phạt về kinh tế khắc nghiệt hơn sẽ được triển khai, bao gồm biện pháp liên quan đến hệ thống SWIFT. Chúng ta cần phải hành động cùng nhau và cần phải làm nhiều hơn nữa.”

Đây là loạt biện pháp trừng phạt thứ 3 và cũng là mạnh nhất nhằm vào Nga kể từ khi nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc loại bỏ Nga khỏi hệ thống SWIFT cũng có thể gây hậu quả kinh tế nhất định cho các quốc gia châu Âu phụ thuộc vào việc xuất khẩu dầu và khí đốt tự nhiên của Nga./.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam