Điểm báo quốc tế 8/5: Tổng thống Pháp tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2 - Con đường chông gai trước mắt

Tổng duyệt chuẩn bị kỷ niệm 77 năm Ngày chiến thắng trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đã diễn ra tại Quảng trường đỏ, Nga; EU dự kiến sẽ cho một số quốc gia thành viên như Hungary và Slovakia thêm thời gian để tuân thủ đề xuất cấm vận nhập khẩu dầu từ Nga; Nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ không dễ dàng.... là những tin tức quốc tế đáng chú ý đăng trên các báo ngày 8/5.

TỔNG DUYỆT LỄ KỶ NIỆM 77 NĂM CHIẾN THẮNG PHÁT XÍT TẠI NGA

Năm nay, dù Nga đang tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, nhưng lễ kỷ niệm chiến thắng phát xít trong chiến tranh thế giới thứ hai vẫn sẽ được tổ chức trọng thể tại 28 thành phố của Nga. Buổi tổng duyệt chuẩn bị kỷ niệm 77 năm Ngày chiến thắng trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đã diễn ra tại Quảng trường đỏ, thủ đô Moscow.

Theo The Moscow Time, do năm nay không phải là năm kỷ niệm chẵn, nên Nga không mời các nhà lãnh đạo nước ngoài đến dự lễ duyệt binh Chiến thắng. Nhưng các hoạt động kỷ niệm vẫn diễn ra trên khắp đất nước, bởi đây là ngày lễ chính, quan trọng và thiêng liêng đối với người dân Nga. Theo Bộ Quốc phòng Nga, các cuộc diễu binh kỷ niệm 77 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại sẽ được tổ chức tại 28 thành phố của Nga. Tổng cộng, gần 65.000 quân nhân, 2.400 đơn vị thiết bị quân sự, hơn 460 máy bay và trực thăng tham gia. Còn vào 22h tối 9/5, sẽ bắn pháo hoa tại các thành phố.

EU LÙI THỜI HẠN CẤM NHẬP DẦU CỦA NGA ĐỐI VỚI MỘT SỐ QUỐC GIA THÀNH VIÊN

Reuters đưa tin, Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ cho một số quốc gia thành viên như Hungary và Slovakia thêm thời gian để tuân thủ đề xuất cấm vận nhập khẩu dầu từ Nga, nhằm tiến tới duy trì một mặt trận thống nhất trong việc trừng phạt Nga. 

Ủy ban châu Âu (EC) đã chính thức đề xuất lệnh cấm hoàn toàn đối với nhập khẩu dầu thô và sản phẩm dầu của Nga vào cuối năm nay. Tuy nhiên, chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen cho biết, sẽ đảm bảo rằng việc loại bỏ dầu của Nga theo cách có trật tự, cho phép các thành viên và các đối tác đảm bảo các tuyến cung cấp thay thế và giảm thiểu tác động đến thị trường toàn cầu. Dự kiến, Cộng hòa Séc có thể được miễn trừ cho đến tháng 6/2024 theo đề xuất sửa đổi lệnh cấm dầu, còn Hungary và Slovakia sẽ có thời gian đến cuối năm 2024.

EU LÙI THỜI HẠN CẤM NHẬP DẦU CỦA NGA ĐỐI VỚI MỘT SỐ QUỐC GIA THÀNH VIÊN

Bộ Y tế Thái Lan mới đây cho biết, sẽ tuyên bố Covid-19 là bệnh đặc hữu vào tháng 7 tới, trong bối cảnh số ca mắc mới ở quốc gia này tiếp tục giảm xuống dưới 10.000 ca/ngày. Bangkok Post đưa tin.

Theo đó, nếu các tiêu chí được đáp ứng, Bộ Y tế Thái Lan sẽ công bố Covid-19 là một bệnh đặc hữu vào ngày 1/7 theo kế hoạch. Các quy định về đeo khẩu trang có thể được nới lỏng tùy thuộc vào tình hình Covid-19 ở từng khu vực. Trước đó, vào đầu tháng 3, Ủy ban về các bệnh truyền nhiễm quốc gia đã đồng ý trên nguyên tắc với việc đưa ra chỉ định mới vào tháng 6. Tuy nhiên, giới chức y tế Thái Lan lưu ý rằng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa công bố thời điểm Covid-19 sẽ được phân loại lại thành bệnh đặc hữu, đồng thời bày tỏ lo ngại về những đột biến của virus gây bệnh này.

CÓ THỂ CÓ MỐI LIÊN HỆ GIỮA CHÓ VÀ BỆNH VIÊM GAN LẠ Ở TRẺ EM

Tại Anh, hơn 160 trường hợp trẻ em mắc viêm gan cấp tính đã được ghi nhận trong đợt bùng phát hiện nay. Giới chức y tế nước này đang điều tra mối liên hệ có thể có giữa chó và sự gia tăng đột biến các trường hợp mắc bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em.

Trang mạng tờ Telegraph đưa tin, các báo cáo cho thấy, số lượng lớn trẻ em bị ảnh hưởng bởi căn bệnh viêm gan lạ chưa rõ nguyên nhân đến từ các gia đình có nuôi thú cưng hoặc đã "tiếp xúc" với chó. Theo Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh, phát hiện này rất quan trọng và đang được điều tra thêm, nhưng đây cũng có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên vì việc các gia đình nuôi chó khá phổ biến ở Anh. Hiện nay, giới chức y tế thế giới đang đưa ra nhiều hướng nghiên cứu liên quan đến tình trạng này, không loại trừ do Covid-19, hoặc thậm chí nguyên nhân có thể là do sự bế tắc và giãn cách xã hội.

TỔNG THỐNG PHÁP TUYÊN THỆ NHẬM CHỨC NHIỆM KỲ 2, CON ĐƯỜNG CHÔNG GAI TRƯỚC MẮT

Đêm qua theo giờ địa phương, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chính thức nhậm chức Tổng thống Pháp nhiệm kỳ thứ 2, với cam kết về “một hành tinh đáng sống hơn và một nước Pháp mạnh mẽ hơn”. Trước đó, ông Macron đã đánh bại đối thủ cực hữu Marine Le Pen trong cuộc bầu cử ngày 24/4. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ông Macron có thể sẽ không có “tuần trăng mật” khi trước mắt ông là một loạt thách thức của nước Pháp.

Reuters đăng tải bài viết với tiêu đề “Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hứa hẹn cách tiếp cận mới trong nhiệm kỳ thứ hai”. Theo bài viết, tại lễ nhậm chức, Tổng thống Macron đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đổi mới vào thời điểm có nhiều thách thức chưa từng có đối với thế giới và đối với nước Pháp, đồng thời cho biết nhiệm kỳ thứ hai của ông sẽ là "mới" chứ không đơn thuần là sự tiếp nối của nhiệm kỳ 5 năm cầm quyền trước đó của ông. Trong bài phát biểu nhậm chức của mình, ông Macron không nêu bất kỳ đề xuất chính sách mới nào, nhưng đã nêu bật mối đe dọa do cuộc xung đột Nga - Ukraine và cuộc khủng hoảng môi trường toàn cầu. Lễ nhậm chức của Macron đánh dấu việc bắt đầu vận động cho cuộc bầu cử Quốc hội Pháp từ ngày 12-19/6 tới. Tuy nhiên, nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Macron sẽ chỉ bắt đầu chính thức khi nhiệm kỳ đầu tiên hết hạn vào nửa đêm ngày 13/5.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trang France24 nhận định, nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ không hề dễ dàng, khi Tổng thống Macron phải đối mặt với một chương trình nghị sự đầy khó khăn trong việc thực hiện những cải cách mà ông đã hứa hẹn với người dân khi lên nắm quyền với tư cách là tổng thống trẻ nhất nước Pháp năm 2017. Theo bài viết, nhiệm kỳ thứ hai của ông Macron diễn ra vào thời điểm có nhiều biến động chính trị tại Pháp cũng như trên thế giới. Những thách thức to lớn đang chờ đón vị tổng thống 44 tuổi. Ông Macron được cho là sẽ tiếp tục đóng vai trò hàng đầu trong các nỗ lực ngăn chặn cuộc xung đột Nga - Ukraine, trong khi ông mang trên mình gánh nặng của kỳ vọng là một nhà lãnh đạo châu Âu cùng với nước Đức trong thời kỳ hậu Angela Merkel. Ở khía cạnh đối nội, Tổng thống Macron phải đối phó với cuộc khủng hoảng do chi phí sinh hoạt tăng cao và có lẽ cũng sẽ vấp phải nhiều phản đối khi tiến hành giải quyết các vấn đề liên quan đến lương hưu và đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu.

Bùi Thảo