Điểm báo quốc tế 22/8: Ukraine phủ nhận liên quan đến cái chết của con gái học giả Nga

Thủ tướng Nhật Bản hoãn công du Châu Phi vì mắc Covid-19; Ukraine phủ nhận liên quan đến cái chết của con gái học giả Nga; Đức bác bỏ việc giữ lại các nhà máy điện hạt nhân; Phạt tù vì để trẻ em một mình trong xe ô tô; Những câu hỏi còn bỏ ngỏ về thoả thuận xuất khẩu ngũ cốc ... là những tin tức quốc tế trên các mặt báo ngày 22/8/2022.

THỦ TƯỚNG NHẬT BẢN HOÃN CÔNG DU CHÂU PHI VÌ MẮC COVID-19

Theo thông báo mới nhất từ Văn phòng Nội các Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ không thể thực hiện chuyến công du đến các nước Trung Đông và châu Phi vào cuối tháng này do mắc Covid-19. 

Theo báo The Japan Times, từ ngày hôm nay, Thủ tướng Nhật Bản sẽ làm việc tại nhà và sẽ tham dự Hội nghị Quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi lần thứ 8 được tổ chức tại Tunisia theo hình thức trực tuyến. Nhà lãnh đạo 65 tuổi bắt đầu có các triệu chứng sốt nhẹ và ho từ tối ngày 20/8 và đã thực hiện xét nghiệm Covid-19 vào sáng hôm qua và có kết quả xác nhận dương tính vào buổi chiều. 

UKRAINE PHỦ NHẬN LIÊN QUAN ĐẾN CÁI CHẾT CỦA CON GÁI HỌC GIẢ NGA

Vụ đánh bom xe khiến con gái nhà triết học nổi tiếng người Nga Alexander Dugin thiệt mạng hiện đang làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Theo báo The Guardian, Ukraine phủ nhận liên quan đến vụ việc. 

Giới chức Ukraine cũng dự đoán Nga có thể tăng cường các cuộc tấn công bằng tên lửa trong bối cảnh Ukraine sẽ kỷ niệm 31 năm ngày độc lập trong tuần này. Quân đội Ukraine cảnh báo Nga đã đưa 5 tùa chiến và tàu ngầm mang theo tên lửa hành trình ra Biển Đen, đồng thời bố trí các hệ thống phòng không ở Belarus. Kiev đã áp đặt lệnh cấm các cuộc tụ tập đông người trong 4 ngày, kể từ hôm này.  

ĐỨC BÁC BỎ VIỆC GIỮ LẠI CÁC NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN

Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, phủ nhận việc kéo dài tuổi thọ của 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại của nước này. 

Theo Bộ trưởng Kinh tế Đức, việc tiếp tục vận hành các nhà máy điện hạt nhân chỉ có thể giúp tiết kiệm tối đa 2% lượng khí đốt được sử dụng. Điều này là không đáng để tiếp tục tranh luận về việc có loại bỏ điện hạt nhân hay không. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đức lại cho rằng, nên kéo dài tuổi thọ các nhà máy điện hạt nhân trong một thời gian ngắn, hơn là đưa các nhà máy nhiệt điện than vận hành trở lại. 

PHẠT TÙ VÌ ĐỂ TRẺ EM MỘT MÌNH TRONG XE Ô TÔ

Theo thông tin mới được cảnh sát Các tiểu Vương quốc A-rập thống nhất (UAE) công bố, những phụ huynh để trẻ em một mình trong xe ô tô có thể sẽ phải chịu án phạt 1.300 USD, thậm chí có thể bị phạt tù. 

Báo Khaleej Times đưa tin, Cảnh sát UAE đưa ra cảnh báo này khi một số trường hợp trẻ em bị bỏ quên trong xe và đã thiệt mạng. Việc để trẻ em trong xe mà không có người trông coi, đặc biệt trong thời tiết nắng nóng là vô cùng nguy hiểm vì các em có nguy cơ tử vong hoặc ngạt thở do thiếu ô xy hoặc do nhiệt độ trong xe tăng cao. 

NHỮNG CÂU HỎI CÒN BỎ NGỎ VỀ THOẢ THUẬN XUẤT KHẨU NGŨ CỐC

Hôm nay, ngày 22/8, đánh dấu tròn một tháng Ukraine và Nga đạt được thỏa thuận do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đồng bảo trợ, cho phép vận chuyển ngũ cốc của Ukraine ra thị trường thế giới. Thỏa thuận được đánh giá là điểm sáng trong bối cảnh nguy cơ về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ về hiệu quả mà thỏa thuận mang lại. Trang Politico đã có bài phân tích về vấn đề này.  

“Thỏa thuận ngũ cốc Ukraine – Nga: Những câu hỏi chưa có lời đáp” là tiêu đề bài viết được đăng tải trên trang Politico. Đặt câu hỏi: Liệu ngũ cốc Ukraine có đến được với những quốc gia nghèo nhất hay không?

Tác giả bài viết cho rằng, những chuyến tàu ngũ cốc đầu tiên tại Ukraine không thể đến được tay những người đang cần lương thực nhất, và trên thực tế, phần lớn ngũ cốc đang được vận chuyển lại không phải phải là lúa mì, mà là ngô, hạt hướng dương và đậu nành. Nguyên nhân là vì lượng ngũ cốc bị mắc kẹt tại Ukraine chủ yếu là ngô, thường được sử dụng làm thức ăn gia súc hoặc nhiên liệu sinh học. Chỉ ¼ trong tổng số 20 triệu tấn ngũ cốc còn mắc kẹt tại Ukraine là lúa mì.

Một câu hỏi nữa được tác giả bài viết đặt ra là: Liệu các thương nhân có thực sự muốn mua ngũ cốc của Ukraine?

Hầu hết các tàu chở ngũ cốc rời Ukraine trong một tháng qua là các tàu đã bị mắc kẹt do xung đột. Các chuyên gia băn khoăn rằng, liệu các tàu từ phía bên ngoài có muốn cập cảng Ukraine hay không?

Ngoài ra, còn có những lo lắng về chất lượng của ngũ cốc đã bị mắc kẹt trên các con tàu hoặc các hầm chứa trong hàng tháng qua.

Một câu hỏi quan trọng nữa được đặt ra là: Liệu thỏa thuận ngũ cốc có thể đem lại hòa bình?

Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia bảo trợ cho thỏa thuận ngũ cốc, cho rằng thỏa thuận này có thể tạo nền tảng cho một thỏa thuận hòa bình trong tương lai.
Bài viết trích dẫn bài đăng trên mạng xã hội twitter của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ hy vọng rằng, thỏa thuận ngũ cốc sẽ dẫn đến lệnh ngừng bắn và đem lại hòa bình lâu dài.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là những suy nghĩ thiếu thực tế. 

Kim Ngọc