Điểm báo quốc tế trưa 7/3: 5 mối quan tâm lớn về an ninh lương thực của Trung Quốc

Đàm phán hạt nhân đình trệ đẩy giá dầu thế giới tăng; Mexico: Lực lượng cảnh sát nữ với nhiệm vụ đặc biệt; Trung Quốc trước thách thức đảm bảo an ninh lương thực... là những tin tức quốc tế đáng chú ý đăng trên các báo ngày 7/03/2022.

Đàm phán hạt nhân đình trệ đẩy giá dầu thế giới tăng

Bài viết dẫn nhận định của các nhà phân tích. Theo đó, ngay cả khi các bên đi đến một thỏa thuận, sẽ cần ít nhất vài tháng để Iran khôi phục dòng chảy dầu thô phục vụ thị trường toàn cầu của mình. Mỹ và các đồng minh châu Âu đang cân nhắc khả năng cấm nhập khẩu dầu của Nga, tuy nhiên các bên vẫn hết sức nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì nguồn cung dầu ổn định trên toàn cầu. Các phân tích nhận định, nếu phương Tây cấm dầu của Nga, giá dầu thô quốc tế có thể tăng vọt lên 150 USD / thùng.

Mexico: Lực lượng cảnh sát nữ với nhiệm vụ đặc biệt

Theo tờ Bangkok Post, lực lượng đặc biệt này ra đời hồi tháng 9/2020, với nhiệm vụ chính là bảo vệ an ninh cho cuộc tuần hành. Những bên cạnh đó, các nữ sĩ quan cũng tham gia bảo vệ những người phụ nữ là nạn nhân của bạo lực. Bản thân các nữ sĩ quan này cũng phải tự đấu tranh, bởi trong lực lượng cảnh sát đã ghi nhận hàng trăm cáo buộc lạm dụng từ đồng nghiệp nam và cấp trên. 

Trung Quốc trước thách thức đảm bảo an ninh lương thực

Với bài viết mang tựa đề “5 mối quan tâm lớn về an ninh lương thực của Trung Quốc”, tờ South China Morning Post cho biết,  tự cung tự cấp lương thực hiện đang là một trong những chính sách ưu tiên của chính phủ Trung Quốc với mong muốn đảm bảo đủ lương thực, giảm thiểu phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài trong bối cảnh nhiều bất ổn trên thế giới. Để đạt được mục tiêu đó, Bắc Kinh cần cân nhắc cải thiện 5 vấn đề lớn, bao gồm ưu tiên tăng cường khả năng tự cung đậu tương và cây lấy dầu trong 5 đến 10 năm tới; cải thiện ảnh hưởng của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu đối với thịt, sữa, nông sản và ngô; tăng cường khả năng tự chủ trong công nghệ hạt giống; tăng cường diện tích đất canh tác đạt tiêu  chuẩn và cuối cùng là tránh thất thoát, lãng phí thực phẩm.

Cũng liên quan đến vấn đề này, bài xã luận của tờ China Daily cho rằng, tăng thu hoạch, hạn chế lãng phí là những yếu tố cần thiết để Trung Quốc đảm bảo an ninh lương thực. Bài viết cho rằng, dù đã đạt được một số thành tựu nhất định như ổn định được giá ngũ cốc trong thị trường nội địa, giảm thiểu những ảnh hưởng từ nhữn biến động trên thị trường thế giới, Trung Quốc vẫn cần nỗ lực để đảm bảo an ninh lương thực, vốn là chìa khóa giúp phát triển và ổn định nền kinh tế đất nước. Cách tốt nhất để đảm bảo an ninh lương thực hiện nay là tăng sản lượng lương thực, thúc đẩy sản lượng ngũ cốc và nâng cao hiệu quả sử dụng lương thực. Trong đó, Trung Quốc cần thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ đất canh tác, đồng thời tiếp tục đổi mới công nghệ để đảm bảo những vụ mùa bội thu. Tình trạng lãng phí ngũ cốc cũng cần được kiểm soát, bởi đây là một vấn đề nổi cộm ở Trung Quốc. China Daily nhận định, trong hoàn cảnh hiện nay, tiết kiệm lương thực và giảm lãng phí ngũ cốc được đặt lên trên việc tăng sản lượng.
 

Kim Phượng