Điểm báo ngày 28/9: Giá USD lên đỉnh mới, doanh nghiệp lo rủi ro

Khắc phục tình trạng “ăn đong” vì thiếu giáo viên; Cần làm rõ tỉ lệ 30% đối với tổng thời lượng phim của mỗi đài truyền hình; Giá USD lên đỉnh mới, doanh nghiệp lo rủi ro; Lao động nữ lo âu ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 28/9/2022.

GIÁ USD LÊN ĐỈNH MỚI, DOANH NGHIỆP LO RỦI RO

Nhiều địa phương vẫn thiếu giáo viên dù học sinh đã vào năm học mới gần một tháng. Báo Giáo dục và Thời đại có bài viết: Khắc phục tình trạng 'ăn đong' vì thiếu giáo viên.

Để thu hút và giữ chân giáo viên yên tâm công tác trong ngành giáo dục, Bộ GD&ĐT đang triển khai xây dựng và đề xuất Chính phủ thực hiện chính sách tiền lương mới. Cụ thể, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Về giải pháp “dài hơi”, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để nâng cao vị thế, thu nhập của nhà giáo như: Xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo.

CẦN LÀM RÕ TỈ LỆ 30% ĐỐI VỚI TỔNG THỜI LƯỢNG PHIM CỦA MỖI ĐÀI TRUYỀN HÌNH

 Liên quan đến tỷ lệ phát sóng phim truyền hình Việt Nam, cần làm rõ tỉ lệ 30% đối với tổng thời lượng phim của mỗi đài truyền hình. Vấn đề này được dư luận quan tâm, nhiều tờ báo lớn đã có bài bình luận.

Báo điện tử VCV, báo điện tử VTV, báo Pháp luật…đề cập, quy định thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam đạt ít nhất 30% so với tổng thời lượng phát sóng phim của mỗi đài truyền hình là quá cao và khó khả thi. Đặc biệt là đối với các đài truyền hình có quy mô vừa và nhỏ, các đài địa phương. Nhiều ý kiến đề xuất quy định tỉ lệ phát sóng phim truyện Việt Nam là 10% thay vì 30%. Đồng thời, cần nghiên cứu xây dựng phương án tỉ lệ tăng dần theo thời gian và tính đến tình hình sản xuất phim Việt Nam tại thời điểm đó, đơn vị nào đạt hoặc vượt tỉ lệ theo quy định trước thời hạn sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi về thuế.

GIÁ USD LÊN ĐỈNH MỚI, DOANH NGHIỆP LO RỦI RO

Giá USD trên thị trường thế giới một lần nữa phá vỡ mức cao nhất trong vòng hơn 20 năm qua. Những thay đổi của chính sách tiền tệ thế giới sẽ có tác động lớn đến Việt Nam bởi độ mở của nền kinh tế cao. Bài viết trên báo Kinh tế và Đô thị.

Khi USD đắt đỏ, người tiêu dùng các nước thắt chặt hầu bao khiến đơn hàng sụt giảm. Báo Kinh tế và Đô thị đề cập, Với độ mở kinh tế cao, có tới hơn 70% hợp đồng mua bán quốc tế của Việt Nam được thanh toán bằng đồng USD. Do đó, bất cứ biến động nào của tỷ giá cũng đều tác động trực tiếp lên doanh nghiệp có hoạt động mua bán với nước ngoài. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, khi ký hợp đồng thương mại với đối tác, doanh nghiệp nên thương thảo việc áp mức trần hoặc sàn ngoại tệ thanh toán, để khi tỷ giá biến động tới các trần hoặc sàn, hai bên đều phải chịu chia sẻ rủi ro.

LAO ĐỘNG NỮ LO ÂU

Liên quan đến bất bình đẳng giới trong thị trường lao động. Báo Đại Đoàn Kết đề cập, dù đã có nhiều chính sách được ban hành nhưng lao động nữ vẫn chịu nhiều thiệt thòi hơn so với lao động nam.

Theo báo Đại Đoàn Kết, Bộ Luật Lao động năm 2019 sửa đổi với nhiều nội dung ưu việt nhằm bảo vệ lao động nữ tuy nhiên vì nhiều lý do, rất nhiều quyền lợi của lao động nữ bị bỏ qua. Đặc biệt là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, mức độ chênh lệch về tiền lương, vị trí, trợ cấp thể hiện khá rõ nét. Sau dịch Covid-19, tỷ lệ mất việc ở lao động nữ cao hơn nam. Bên cạnh đó, lao động nữ cũng nhận chế độ hưu trí thấp hơn so với nam giới. Đây là vấn đề xã hội cần được quan tâm giải quyết.