Điểm báo ngày 26/7: Tiêm vaccine “mù”, lợn chết hàng loạt

Quyết liệt xử lý vi phạm an toàn thực phẩm; Tiêm vaccine “mù”, lợn chết hàng loạt; Doanh nghiệp khó tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%; Công nghiệp chế biến, chế tạo: Thu hút hơn 252 tỉ USD vốn ngoại ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 26/7/2022.

QUYẾT LIỆT XỬ LÝ VI PHẠM AN TOÀN THỰC PHẨM

Với gần 11 triệu dân cư trú thường xuyên, an toàn thực phẩm là vấn đề được ngành nông nghiệp Hà Nội đặc biệt quan tâm, chú trọng quản lý, giám sát. Thời gian qua, rất nhiều trường hợp vi phạm quy định pháp luật về an toàn thực phẩm đã bị lực lượng thanh tra của Sở NN&PTNT Hà Nội phát hiện, xử lý nghiêm.

Theo thông tin đăng tải trên báo Kinh tế và Đô thị số ra sáng 26/7, qua thanh tra, kiểm tra của Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay vẫn còn nhiều trường hợp vì mục tiêu lợi nhuận nên vẫn còn không ít chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật, chủ yếu là không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh an toàn thực phẩm, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc - xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh trong quá trình thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến nông sản hoặc kinh doanh thực phẩm đã hết hạn sử dụng... 

Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, lực lượng thanh tra tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là ở những công đoạn có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm cao. Trong đó, chú trọng thanh kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm các vi phạm.

TIÊM VACCINE “MÙ”, LỢN CHẾT HÀNG LOẠT

Trong lúc dịch tả lợn Châu Phi đang còn nhiều diễn biến phức tạp, nhiều bà con nông dân vì nghe theo những lời chào mời mua vaccine phòng dịch tả lợn Châu Phi của những nhân viên tiếp thị thuốc dẫn đến thiệt hại nặng về kinh tế khi đàn lợn liên tục xuất hiện các triệu chứng chân sưng phù to, tai tím tái, nổi hạch cổ... và bắt đầu lăn chết la liệt. Thông tin được đăng tải trên báo Nông thôn Ngày nay. 

Trước thực trạng nhiều bà con nông dân vì cả tin mà bỏ ra hàng trăm triệu đồng để mua vaccine “mù” về tiêm cho lợn, dù đã nhiều lần được khuyến cáo nhưng bà con vẫn liều mua gây thiệt hại cực kỳ nghiêm trọng khi nhiều gia đình phải gọi xe đến chở đưa đi chôn mấy ngày mới hết. Lợn hết, nhiều gia đình cũng phá sản, nợ ngập đầu không biết đến khi nào mới trả được. 

Thời gian tới, Cục Thú y sẽ thành lập đoàn công tác xuống các địa phương “nóng” về dịch bệnh để tổ chức kiểm tra; đồng thời tham mưu lãnh đạo Bộ NNPTNT ký công văn gửi các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, buôn bán, lưu hành vaccine chưa được cấp phép, lưu hành. Tất cả các loại vaccine chưa được cấp phép, không rõ nguồn gốc đều rất nguy hiểm, bất luận cá nhân, tổ chức nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

DOANH NGHIỆP KHÓ TIẾP CẬN GÓI HỖ TRỢ LÃI SUẤT 2%

Gói hỗ trợ lãi suất 2% theo nghị định của Chính phủ được ví von là “phao cứu sinh” đúng lúc để giúp doanh nghiệp (DN) sớm hồi phục sau đại dịch Covid-19. Thế nhưng, thực tế nhiều DN không thể vay được vốn do chưa đáp ứng được điều kiện do phía ngân hàng đưa ra.

Bên cạnh những khó khăn về điều kiện, thủ tục, việc các ngân hàng thận trọng khi xét duyệt hồ sơ cho vay cũng là rào cản với các DN khi muốn tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng gói hỗ trợ 2% lãi suất cho các DN vay vốn có đối tượng tiếp cận hạn chế nên dù đã có hồ sơ đăng ký nhưng thường là không đủ điều kiện nên buộc phải chờ bổ sung. Do đó, đến nay, chưa có DN nào chưa tiếp cận được nguồn vốn vay. 

Trong thời gian tới, “để chính sách thực sự là “phao cứu sinh”, cần cân nhắc nới các điều kiện cho vay để có thêm DN được hưởng gói hỗ trợ này. Cụ thể, nếu DN nào có khả năng phục hồi thì được vay vốn. Có như vậy, chính sách mới kịp thời bám sát thực tiễn và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thực sự trong quá trình tổ chức thực hiện”.

CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN, CHẾ TẠO: THU HÚT HƠN 252 TỈ USD VỐN NGOẠI 

Việt Nam thu hút được 252 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm gần 60% tổng vốn FDI.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện Việt Nam thu hút được 34.898 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 426,14 tỉ USD. Không chỉ thu hút lượng vốn đầu tư khủng, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo còn có sức hấp dẫn đối với những tập đoàn lớn trên thế giới. Những tập đoàn này liên tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam sau một thời gian đầu tư và hoạt động hiệu quả. 

Tuy nhiên, để các dự án FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thực sự mang lại hiệu quả cao và không ảnh hưởng đến những lĩnh vực khác, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cũng cần "khắt khe" hơn trong việc lựa chọn dự án, nhằm thu hút những dự án có tiềm lực tài chính, công nghệ hiện đại, sử dụng ít lao động và mang lại giá trị gia tăng cao, đồng thời hạn chế những dự án dùng công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều lao động, gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn lực.