Điểm báo ngày 20/6: “Điểm nghẽn” của tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế cần giải pháp tháo gỡ nào?

Tối ưu hoá phân bổ không gian; Đa dạng hoá nguồn thu từ chuyển đổi số; Quản lý tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp; “Điểm nghẽn” của tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế cần giải pháp tháo gỡ nào? ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 20/6/2022.

TỐI ƯU HOÁ PHÂN BỔ KHÔNG GIAN

Trong những năm qua, các hoạt động kinh tế tại khu vực đô thị có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế Thủ đô. Tuy nhiên, các kết quả phát triển kinh tế đô thị cho thấy chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của thành phố. Để phát huy tối đa tiềm năng của kinh tế đô thị, giúp bứt tốc kinh tế Thủ đô theo các mục tiêu đề ra, đồng thời góp phần quan trọng trong phát triển đô thị Hà Nội xanh, văn minh, hiện đại thì công tác quy hoạch đô thị phải gắn kết chặt chẽ, tạo điều kiện cho kinh tế đô thị phát triển. Thông tin được đăng tải trên báo Kinh tế và Đô thị số ra sáng nay. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, thời gian qua, TP Hà Nội đã có những sự thay đổi để khai thác tiềm năng của kinh tế đêm, tuy nhiên việc quy hoạch không gian cho loại hình kinh tế này còn nhiều bất cập. Cụ thể, do thiếu quy hoạch nên nhiều cơ sở kinh doanh ban đêm đều gần sát các khu dân cư, nhiều nhà hàng, cà phê có sử dụng âm nhạc công suất lớn (quán bar) nằm ngay trong khu dân cư, gây ảnh hưởng tiếng ồn đến đời sống Nhân dân khu vực xung quanh. 

Cũng theo bài viết, để phát triển kinh tế đô thị cần được quan tâm đồng bộ các lĩnh vực, ngành song trong đó rất cần công tác quy hoạch đi trước một bước và hoàn thiện hệ thống thể chế phát triển quản lý đô thị. Đồng thời để phát huy hiệu quả trong xây dựng đô thị, tổ chức đời sống của cư dân đô thị và phát triển kinh tế đô thị, cần rà soát lại quy hoạch xây dựng, nhất là việc phân bố và tổ chức không gian phát triển công nghiệp và dịch vụ. đồng bộ, hiện đại, liên kết là yếu tố quan trọng. 

ĐA DẠNG HOÁ NGUỒN THU TỪ CHUYỂN ĐỔI SỐ 

Cũng một thông tin đáng chú ý khác được đăng tải trên báo Kinh tế và Đô thị số ra sáng nay. Đó là làm thế nào để tìm kiếm doanh thu trước sức ép ngày một lớn đến từ các mô hình truyền thông mới đang là "bài toán khó" đối với hầu hết cơ quan báo chí của Việt Nam.

Theo thông tin bài viết, trong nhiều năm trở lại đây, chưa bao giờ sức ép kinh tế lại đè nặng lên vai của các cơ quan báo chí ở Việt Nam như thời điểm hiện tại. Không chỉ sụt giảm mạnh về nguồn thu chính đến từ quảng cáo mà lượng độc giả đang ngày càng bị bào mòn bởi sự vươn lên mạnh mẽ bởi các mô hình truyền thông mới như mạng xã hội. 

Việc triển khai đăng tải nội dung cũng như tương tác với độc giả trên các mạng xã hội phổ biến sẽ giúp tờ báo tiếp cận được với những bạn đọc thế hệ genZ. Đây là thế hệ mà lâu nay bị báo chí bỏ quên, nhưng họ sẽ là nhân lực chính trong tương lai và dĩ nhiên sắp tới sẽ là người bỏ tiền để nuôi sống báo chí. Theo nhiều ý kiến, để gia tăng nguồn thu cũng như mảng miếng kinh doanh mới, các cơ quan báo chí không nên tự giới hạn mình trong các lĩnh vực như trước đây mà cần mạnh dạn khai phá các thị trường ngách mà mình có lợi thế hoặc đủ nhân lực để thực hiện.

QUẢN LÝ TÀI CHÍNH HIỆU QUẢ CHO DOANH NGHIỆP

Không chỉ cần tiếp cận các gói tín dụng giá rẻ, doanh nghiệp còn cần hỗ trợ quản lý tài chính để vượt qua khủng hoảng bởi đại dịch Covid-19. Do đó, cùng với việc triển khai các sản phẩm cho vay, ngân hàng đã đưa ra các giải pháp quản lý tài chính cùng doanh nghiệp.

Theo bài viết được đăng tải trên báo Hà Nội Mới, hơn hai năm vừa qua là thời gian khó khăn đối với các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa vì không thể tiếp tục duy trì hoạt động. Tuy nhiên, cũng nhiều doanh nghiệp vẫn phát triển với nhiều thành tựu đáng kinh ngạc nhờ quy trình quản lý tài chính hiệu quả. Song, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch tài chính cho 3 năm thay vì 1 năm, vì đây là khâu quan trọng nhằm quản trị rủi ro trong kinh doanh. 

Một trong những giải pháp quan trọng nhất mà doanh nghiệp vượt qua khó khăn là nguồn vốn ngân hàng. Để vay vốn hiệu quả, nhanh gọn, chủ doanh nghiệp cần chuẩn bị mục đích vay, số tiền vay phù hợp với nhu cầu và khả năng của bản thân, lãi suất và các lệ phí, tài sản bảo đảm, thời gian vay, nguồn trả nợ, hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp.

“ĐIỂM NGHẼN” CỦA TÌNH TRẠNG THIẾU THUỐC, VẬT TƯ Y TẾ CẦN GIẢI PHÁP THÁO GỠ NÀO? 

Thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng này đã xảy ra tại nhiều cơ sở y tế của nhiều địa phương trên cả nước, làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người bệnh. Vậy, "điểm nghẽn" của tình trạng này là do đâu và cần những giải pháp nào để tháo gỡ? Thông tin được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) không phải là vấn đề mới và thường xảy ra nhỏ lẻ. Nhưng thời gian vừa qua, tình trạng này đã xảy ra tại nhiều cơ sở y tế của nhiều địa phương trên cả nước. Điều này có liên qua tới công tác đấu thầu. Quy trình làm thầu chậm cũng có nhiều lý do, trong đó có thể dự trù không kịp. Đặc biệt, trong thời gian qua, mô hình bệnh tật đã thay đổi nhanh và sau 2 năm chống dịch, người dân đi đến các cơ sở KCB quá nhiều, dẫn đến sự quá tải. 

Bên cạnh đó, các chuyên gia trong ngành cũng chỉ ra rằng công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế đang bộc lộ một số vướng mắc do các quy định của pháp luật hiện hành. Và để khắc phục trước mắt việc thiếu thuốc, vật tư y tế, các bệnh viện vẫn phải thực hiện một số gói thầu, đồng thời rà soát lại toàn bộ danh mục thuốc trượt thầu để thực hiện thầu bổ sung. Cần phải có văn bản hướng dẫn quy định riêng cho ngành y tế.