Điểm báo: Lừa đảo qua mạng khó dẹp vì tài khoản ngân hàng rác

Lừa đảo qua mạng khó dẹp vì tài khoản ngân hàng rác; 50% dự án 'đắp chiếu' do không xác định được tiền sử dụng đất; Phát hành sách giáo khoa mới: Nhà xuất bản lo gặp nhiều khó khăn; Gia hạn thời hạn nộp thuế: Hỗ trợ cả vật chất và tinh thần cho doanh nghiệp;... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 6/5.

LỪA ĐẢO QUA MẠNG KHÓ DẸP VÌ TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG RÁC

Theo Cục An toàn thông tin, tài khoản ngân hàng rác, được mua bán với giá 2-3 triệu đồng, là nguồn gốc của nạn lừa tiền online gần đây. Bài viết đáng chú ý trên báo điện tử Vnxpress.

Theo bài viết, Một thực tế là phần lớn hình thức lừa đảo trực tuyến nhắm tới tài chính, để thực hiện kẻ gian cần tài khoản ngân hàng để nạn nhân chuyển tiền vào. Trong nhiều vụ lừa đảo thời gian qua, nạn nhân dù biết số điện thoại, biết tài khoản nhận tiền, nhưng vẫn khó truy ra kẻ đứng sau vì hầu hết sử dụng thông tin giả, gồm sim rác và tài khoản ngân hàng rác. Hiện nay trên thị trường chợ đen, tài khoản ngân hàng không chính chủ, hay còn gọi là tài khoản rác, có thể được mua giá 2-3 triệu đồng. Đây có thể là tài khoản người dùng đăng ký nhưng không sử dụng và bán lại, hoặc do các tổ chức chuyên thuê những người nhẹ dạ đăng ký thay.

50% DỰ ÁN 'ĐẮP CHIẾU' DO KHÔNG XÁC ĐỊNH ĐƯỢC TIỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Trong báo cáo Bộ Xây dựng gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội liên quan đến tình hình thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội, cơ quan này cho biết hiện 50% dự án "đắp chiếu" do không xác định được tiền sử dụng đất.

Theo bài viết trên báo Thanh niên, cả nước hiện có 698 dự án bất động sản đang xây dựng, bằng khoảng 57,4% so với cùng kỳ 2022. Hiện cả nước cũng chỉ có 17 dự án được cấp phép mới, số lượng này chỉ bằng 43,59% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung nhà ở sụt giảm, dự án chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng chiếm số lượng lớn. về các vướng mắc của thị trường bất động sản thời gian qua, Bộ Xây dựng nhận định, có nhiều khó khăn liên quan đến pháp luật về quy hoạch đầu tư và pháp luật về nhà ở, đô thị, xây dựng. Đặc biệt, việc xác định giá thị trường là vướng mắc của hơn 50% các dự án chậm triển khai hiện nay. Không xác định được giá thị trường đã khiến dự án không thể đóng tiền sử dụng đất và triển khai được các bước tiếp theo.

PHÁT HÀNH SÁCH GIÁO KHOA MỚI: NHÀ XUẤT BẢN LO GẶP NHIỀU KHÓ KHĂN

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo phát hành sách giáo khoa mới đúng thời hạn dự kiến.

Theo bài viết trên báo Tuổi trẻ, hiện mới chỉ có một số ít địa phương công bố danh mục lựa chọn sách giáo khoa và hầu hết chưa có số lượng đăng ký sách cần cung ứng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây là khó khăn rất lớn đối với các nhà xuất bản, vì dựa vào "đặt hàng" của các địa phương, nhà xuất bản mới triển khai công tác in ấn, phát hành. vừa đảm bảo các quy định pháp lý liên quan tới quy trình xuất bản, vừa đáp ứng đủ sách cho học sinh trước năm học mới. Như vậy, không phải chỉ các nhà xuất bản cần nỗ lực mà các địa phương cũng cần hợp tác, triển khai việc chọn sách đúng quy trình, tiến độ thì mới có thể kịp có đủ sách cho năm học mới.

GIA HẠN THỜI HẠN NỘP THUẾ: HỖ TRỢ CẢ VẬT CHẤT VÀ TINH THẦN CHO DOANH NGHIỆP

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, việc gia hạn thời hạn nộp một số sắc thuế năm 2023 như trong quy định tại Nghị định 12 mà Chính phủ mới ban hành là một động thái hỗ trợ doanh nghiệp rất tích cực. Chính sách này không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất, mà còn hỗ trợ cả mặt tinh thần, thể hiện sự đồng hành của Chính phủ khi doanh nghiệp gặp khó khăn.

Theo bài viết trên Thời báo Tài chính Việt Nam, Việc gia hạn thời hạn nộp thuế là một trong những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt các áp lực về mặt tài chính, đặc biệt là trong bối cảnh các đơn hàng đầu năm bị sụt giảm, trong khi đó nhu cầu tài chính để đảm bảo hoạt động sản xuất mới, cũng như tìm kiếm các nguồn đối tác mới rất khó khăn đối với các doanh nghiệp. Đồng thời, giúp cho doanh nghiệp đảm bảo tính thanh khoản trước mắt và có nguồn lực chuẩn bị cho giai đoạn phát triển của doanh nghiệp. Ngoài ra, điều quan trọng nhất trong thực thi chính sách vẫn là đơn giản hóa thủ tục hỗ trợ về cả thời gian và hồ sơ cho đối tượng được thụ hưởng. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho doanh nghiệp mà còn cho cả cơ quan thuế. Nếu thủ tục phức tạp thì doanh nghiệp sẽ “nản”, không làm nữa, dẫn tới ý nghĩa hỗ trợ kịp thời sẽ không còn.