Điểm báo: Để những mảng xanh Thủ đô không dần chuyển xám

Cải tạo, nâng cấp vườn hoa khu vực nội đô lịch sử Hà Nội: Để những mảng xanh không dần chuyển xám; Tắt thiết bị dùng sóng 2G: Người dùng sẽ liên lạc thế nào?; Siết chặt điều kiện hành nghề môi giới bất động sản: Hết thời làm ăn chộp giật?; Vì sao giá chung cư liên tục … Là những tin có trong điểm báo sáng nay.tăng?

CẢI TẠO, NÂNG CẤP VƯỜN HOA KHU VỰC NỘI ĐÔ LỊCH SỬ HÀ NỘI:  ĐỂ NHỮNG MẢNG XANH KHÔNG DẦN CHUYỂN XÁM

Trên báo kinh tế và đô thị sáng nay có bài viết liên quan đến chỉ thị 03 của Thành uỷ Hà Nội về việc chỉnh trang đô thị. Thời gian qua, trong quá trình thực hiện việc chỉnh trang đô thị tại một số vườn hoa, do kế hoạch thực hiện chưa được kỹ càng, bài bản hoặc sự nóng vội của chính quyền cơ sở dẫn đến việc nâng cấp, cải tạo đã tạo ra những ý kiến trái chiều không tốt làm dấy lên lo ngại màu xanh của cỏ cây đang dần bị chuyển thành màu xám của gạch vữa, xi măng...

Hiện các vườn hoa đang bị ôm đồm quá nhiều chức năng của công viên như nhiều vật thể kiến trúc, đường dạo, không gian sáng tạo... Các chuyên gia cho rằng cải tạo vườn hoa không phải là “bê tông hóa”, cải tạo các vườn hoa nhỏ cần nghiên cứu kỹ để thêm tối đa các mảng xanh, bên cạnh đó bố trí bảo đảm tính tiện nghi như nhà vệ sinh, hệ thống chiếu sáng, vòi nước công cộng... phục vụ người dân đến vui chơi, thư giãn, nghỉ ngơi. Đặc biệt, việc tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan các vườn hoa trong nội đô lịch sử phải giữ gìn bản sắc, phát huy giá trị không gian kiến trúc cảnh quan đặc thù của TP. Trước khi cải tạo phải nhận diện rõ hiện trạng, đặc biệt là các giá trị về văn hóa, lịch sử của từng vườn hoa gắn liền tổng thể không gian có liên quan. Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong quá trình cải tạo công viên, vườn hoa cần được xem là một quy trình bắt buộc được triển khai trước và sau giai đoạn thiết kế.

TẮT THIẾT BỊ DÙNG SÓNG 2G:  NGƯỜI DÙNG SẼ LIÊN LẠC THẾ NÀO?

Từ tháng 3/2024, nhà mạng đã tiến hành tắt các thiết bị chỉ dùng sóng 2G (2G only). Điều này khiến nhiều người dân lo lắng vì không biết sẽ liên lạc thế nào nếu không chuyển đổi hoặc không có tiền mua điện thoại thông minh?

Theo bài viết trên báo đại đoàn kết,  Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cho biết, số thuê bao 2G của các DN hiện nay là khoảng 15 triệu thuê bao. Theo lý giải từ Cục Viễn thông, khi người dân đi mua một SIM hòa mạng mới, nếu điện thoại họ đang sử dụng là điện thoại 2G “cục gạch” (có thể cũ hoặc mới), không nằm trong danh sách được cấp giấy chứng nhận hợp quy, họ sẽ bị từ chối nhập mạng. Điều này cũng có nghĩa, với những máy điện thoại di động chỉ hỗ trợ 2G, đã lưu hành ở Việt Nam từ lâu và có chứng nhận hợp quy, người dùng vẫn có thể lắp SIM mới để hòa mạng bình thường. Những thiết bị không hợp quy là những thiết bị xách tay, nhập lậu hoặc nhập về Việt Nam qua đường tiểu ngạch.

SIẾT CHẶT ĐIỀU KIỆN HÀNH NGHỀ MÔI GIỚI BẤT ĐỘNG SẢN:  HẾT THỜI LÀM ĂN CHỘP GIẬT?

Thực tế, hiện chỉ có khoảng 40.000 người có chứng chỉ môi giới BĐS và được đào tạo bài bản, trong khi có khoảng 200.000 người đang hành nghề. Lực lượng hành nghề tuy đông nhưng phần lớn chất lượng kém, thiếu tính chuyên nghiệp và thiếu ý thức tuân thủ pháp luật. Từ 1/1/2025, cá nhân thực hiện hoạt động môi giới bất động sản (BĐS) không được hành nghề tự do mà phải hành nghề trong một doanh nghiệp. Đây là nội dung có tại Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi chính thức có hiệu lực từ năm 2025.

Với nhiều phương thức kinh doanh BĐS “ma” như đa cấp với rất nhiều nạn nhân, con số những người bị lừa lên đến cả ngàn người. Nguyên nhân do đến từ sự thiếu hiểu biết của người dân, thị trường và pháp luật đang thiếu cơ chế ràng buộc đối với các đối tượng trung gian tư vấn, cung cấp thông tin sản phẩm, dự án BĐS. Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường địa ốc nước ta chưa có một hành lang pháp lý rõ ràng, một chế tài đủ mạnh để quản lý hoạt động của môi giới BĐS cũng như bảo vệ lợi ích của người hành nghề. Do vậy, Từ ngày 1/1/2025, tổ chức, cá nhân muốn kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ BĐS theo quy định và phải đáp ứng loạt điều kiện, bao gồm: phải có quy chế hoạt động dịch vụ môi giới BĐS; có cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hoạt động theo quy định của Chính phủ; có tối thiểu một cá nhân có chứng chỉ môi giới BĐS.

VÌ SAO GIÁ CHUNG CƯ LIÊN TỤC TĂNG?

Tiếp theo là một bài viết trên báo Tiền phong. Giá căn hộ chung cư tại Hà Nội đầu năm 2024 tăng khoảng 38% so với năm 2019. TPHCM, giá căn hộ chung cư tăng 16 %. Trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung như hiện nay, giá căn hộ chung cư tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Lý do khiến giá căn hộ chung cư liên tục tăng mạnh là do chi phí xây dựng tăng cao, hạ tầng phát triển kéo giá bất động sản. Bên cạnh đó, các vướng mắc pháp lý khiến nguồn cung căn hộ tiếp tục ách tắc. Đồng thời, việc tình trạng nguồn cung sụt giảm mạnh, do số dự án bất động sản được phê duyệt ngày càng ít, trong khi các dự án đang triển khai chật vật bởi vướng mắc liên quan đến pháp lý và nguồn vốn. Theo các chuyên gia, Để cải thiện được mặt bằng giá bán của loại hình căn hộ, cần cải thiện được nguồn cung của thị trường. Trong đó sự phát triển của nhà ở xã hội với giá rẻ sẽ giúp giá bán trung bình của căn hộ chung cư giảm mạnh.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Ngô Trang