Điểm báo: Chọn nhóm ngành nào để “xuống tiền” cho chứng khoán?

Đầu tư chứng khoán: Chọn nhóm ngành nào “Xuống tiền”?; Cẩn trọng với chiêu thức lừa đảo mới; Sắp thêm nhiều biện pháp hỗ trợ người lao động mất việc; Tiếp cận dịch vụ giáo dục: Lao động di cư thiệt thòi?...Là những tin có trong điểm báo sáng nay.

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN: CHỌN NHÓM NGÀNH NÀO “XUỐNG TIỀN”?

Giảm lãi suất điều hành và các chính sách thúc đẩy đầu tư công là những vấn đề cần chú ý trên thị trường chứng khoán (TTCK) tại thời điểm hiện tại. Đến cuối năm 2023, nhóm cổ phiếu đầu ngành liên quan đến đầu tư công và ngân hàng đang được các chuyên gia khuyến nghị “xuống tiền”. Đây là thông tin đáng chú ý trên trang nhất báo kinh tế và đô thị số ra cuối tuần hôm nay.

Với nhóm ngân hàng, dù đã có thời gian đối mặt với nguy cơ nợ xấu gia tăng, nhưng việc Ngân hàng Nhà nước cho phép giãn, hoãn nợ đã giải tỏa phần nào nỗi lo này. Cùng với đó, lãi suất điều hành giảm tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay, các DN có khả năng tiếp tiếp cận được vốn tín dụng và duy trì sản xuất. Theo đó, nguồn thu từ tín dụng của các ngân hàng sẽ được cải thiện, nợ xấu được kiềm chế. Hay như Nhóm ngành xây dựng, nhất là các DN xây dựng nhà ở xã hội chắc chắn sẽ ổn định và có hoạt động kinh doanh tốt. Theo đó Chính phủ cam kết sẽ có 1 triệu căn nhà ở xã hội từ đây đến năm 2030, tức mỗi năm hơn 100 ngàn căn, như vậy dòng vốn đầu tư rất lớn, mỗi năm khoảng vài tỷ USD đổ vào đây. Vì thế, các ngành nghề khác có liên quan cũng sẽ có tín hiệu tích cực.

CẨN TRỌNG VỚI CHIÊU THỨC LỪA ĐẢO MỚI

Thay vì chỉ nhắn tin, gọi điện giả danh các nhân viên công vụ, người thân, các đối tượng còn sử dụng công nghệ AI, giả cả giọng nói, khuôn mặt của những người thân để gọi video, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 Gần đây, Nhiều nạn nhân đã bị lừa bởi 1 ứng dụng được gọi là công nghệ Deepfake (tạm dịch: Siêu làm giả). Công nghệ này cho phép gán khuôn mặt của một người này sang một người khác trong video với độ chính xác cao. Những kẻ lừa đảo đã lợi dụng các ứng dụng Deepfake để làm ra các clip có nội dung lừa đảo, mạo danh. Cụ thể, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là lấy những video của người dùng đã đưa lên các nền tảng mạng xã hội, từ đó cắt ghép hoặc dùng công nghệ Deepfake, AI để thực hiện hành vi lừa đảo. Nhiều người đã bị mất tiền do lầm tưởng là người thân, đồng nghiệp, lãnh đạo... gọi cho mình nhờ chuyển một khoản tiền cho họ.

SẮP THÊM NHIỀU BIỆN PHÁP HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG MẤT VIỆC

Trước bối cảnh doanh nghiệp khó khăn phải thu hẹp sản xuất, số lao động bị ảnh hưởng về việc làm, mất việc gia tăng. Dự kiến, thời gian tới, một số chính sách hỗ trợ LĐ mất việc sẽ được ban hành.

 Cụ thể, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đề xuất Chính phủ sớm có các giải pháp hỗ trợ DN nhằm duy trì và phục hồi sản xuất; có thể ưu tiên các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí với thời gian kéo dài hơn; hỗ trợ tín dụng và lãi suất; có gói vay ưu đãi cho doanh nghiệp để trả lương cho người lao động; giảm thanh kiểm tra doanh nghiệp... Đặc biệt, ban này đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét, cho phép người LĐ sử dụng sổ BHXH để vay tiêu dùng ngắn hạn, vay từ quỹ BHXH; hoặc dùng sổ BHXH để thế chấp vay tín dụng, hy vọng việc này sẽ thay cho việc rút BHXH một lần.

TIẾP CẬN DỊCH VỤ GIÁO DỤC: LAO ĐỘNG DI CƯ THIỆT THÒI?

 Lao động di cư liệu có thiệt thòi trong việc tiếp cận dịch vụ giáo dục. Thông tin đăng tải trên báo Giáo dục và thời đại.

 Các khu công nghiệp còn thiếu hụt trường mầm non, mẫu giáo. Việc tiếp cận dịch vụ giáo dục của con em lao động di cư còn hạn chế, thiệt thòi. Trẻ em trong các gia đình này theo học các trường dân lập với chi phí cao hơn bởi hộ khẩu và tạm trú trở thành vấn đề khó khăn. Ngoài ra, vấn đề hộ khẩu/tình trạng đăng ký cư trú là rào cản lớn đến khả năng tiếp cận hệ thống giáo dục công lập đối với lao động di cư. Chính sách giáo dục trẻ em đã được ban hành khá đầy đủ, từ học nhà trẻ, mầm non, mẫu giáo đến các cấp học phổ thông. Tuy nhiên, đối với nhóm trẻ em di cư, chính sách mới quan tâm đến nhóm trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo, mầm non. Đối với các cấp học phổ thông, đặc biệt là cấp THPT, chưa có sự quan tâm đến nhóm trẻ em di cư, còn sự phân biệt giữa trẻ em di cư và địa phương.