Điểm báo 4/4: Lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội 8,2%/năm: Người thu nhập thấp vẫn nằm mơ có nhà

Lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội 8,2%/năm: Người thu nhập thấp vẫn nằm mơ có nhà; Bỏ giấy xác nhận thông tin cư trú: Hà Nội tuyển sinh đầu cấp thế nào?; Kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm 27%; Doanh nghiệp kêu bế tắc vì quy định phòng cháy chữa cháy;... là những tin tức nổi bật có trong cụm tin điểm báo ngày 4/4.

LÃI SUẤT CHO VAY MUA NHÀ Ở XÃ HỘI 8,2%/NĂM: NGƯỜI THU NHẬP THẤP VẪN NẰM MƠ CÓ NHÀ 

Mở đầu chuyên mục điểm báo là bài viết đáng chú ý được đăng tải trên báo Nông thôn ngày nay với tiêu đề: "Lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội 8,2%/năm: người thu nhập thấp vẫn nằm mơ có nhà".

Một dự án nhà ở xã hội tại đường Tố Hữu, Hà Nội có giá bán hơn 19,5 triệu đồng/m2 (đã gồm VAT). Với các mức giá này, để có thể sở hữu căn hộ chung cư nhà ở xã hội (NƠXH) có diện tích nhỏ nhất là 69,9m2, người dân phải bỏ ra số tiền khoảng 1,36 tỷ đồng. Theo một số chuyên gia, mức giá bán NƠXH hiện nay tại Hà Nội tăng cao, trong khi nhu cầu lại lớn nên nhiều người thu nhập thấp rất khó tiếp cận. Trong khi mức lãi suất cho vay mua nhà 8,2%/năm dù đã giảm nhưng vẫn cao so với thu nhập của người lao động, người thu nhập thấp hiện nay. 

BỎ GIẤY XÁC NHẬN THÔNG TINTRÚ: HÀ NỘI TUYỂN SINH ĐẦU CẤP THẾ NÀO?

Theo hướng dẫn của Sở GDĐT Hà Nội, năm học 2023-2024, tuyển sinh trẻ mầm non, lớp 1 và lớp 6 được thực hiện theo tuyến, cha mẹ không cần cung cấp giấy xác nhận thông tin cư trú.

Theo bài viết trên báo Đại đoàn kết, điểm mới trong công tác tuyển sinh đầu cấp năm nay là Sở GDĐT Hà Nội lưu ý các trường không được yêu cầu cha mẹ học sinh phải cung cấp giấy xác nhận thông tin cư trú hoặc giấy thông báo số định danh cá nhân của học sinh. Ngoài ra, địa bàn tuyển sinh học sinh vào lớp 1, lớp 6 được thực hiện theo tuyến tuyển sinh, do UBND quận, huyện, thị xã quy định cho các trường trên địa bàn. Phương thức tuyển sinh là xét tuyển theo tuyến, do UBND quận, huyện, thị xã quy định.

KIM NGẠCH XUẤT KHẨU THỦY SẢN GIẢM 27%

Tháng 3, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 780 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022. Theo đó, lũy kế hết quý I năm nay đã giảm 27%, với kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt khoảng 1,85 tỷ USD. Thông tin đáng chú ý được đăng tải trên báo điện tử VOV.

Giá trị xuất khẩu các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, trong đó xuất khẩu tôm giảm mạnh nhất với 39%; cá tra giảm 23%; cá ngừ giảm 33%, mực bạch tuộc giảm 8%. Những nguyên nhân khiến xuất khẩu thủy sản giảm là do thị trường thế giới vẫn bị tác động nặng nề bởi lạm phát, kinh tế suy giảm khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu thuỷ sản giảm, giá nhập khẩu cũng giảm theo. Dự báo, xuất khẩu thủy sản sẽ hồi phục dần từ quý II/2023 sau khi diễn ra các chương trình hội chợ quốc tế tại Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) thu hút thêm các bạn hàng đến với Việt Nam và có thêm cơ hội lớn sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn sau thời gian dài dịch Covid-19.

DOANH NGHIỆP KÊU BẾ TẮC VÌ QUY ĐỊNH PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY

Hàng loạt doanh nghiệp, hộ kinh doanh cho rằng quy định cứng nhắc về phòng cháy chữa cháy khiến họ không xây, sử dụng được nhà xưởng hoặc thậm chí phải đóng cửa.

Theo bài viết trên báo điện tử VnExpress, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong một số lĩnh vực cần phải được cấp chứng nhận nghiệm thu liên quan công tác phòng cháy chữa cháy. Nếu không đáp ứng, theo quy định, họ phải ngừng sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, họ đang đối diện nguy cơ bị đình chỉ, đóng cửa, do quy định "bị siết đột ngột và cứng nhắc". Trước những vấn đề này, các hiệp hội, doanh nghiệp đều mong được gỡ bỏ, sửa đổi những quy định chưa phù hợp với thực tế. Ví dụ, cơ quan chức năng cần giới hạn quy định bọc vật liệu chống cháy vào kết cấu thép với các công trình đặc thù như quốc phòng, hóa chất hay sản xuất các vật liệu có nhiệt độ nóng chảy cao hơn thép. Các nhà máy, công trình thông thường được áp dụng các quy định phù hợp hơn.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam