• 1190 lượt xem
  • 14:28 31/05/2022
  • Xã hội

Điểm báo 31/5: Nhà trường mua bán sách giáo khoa: Chiết khấu ở đâu?

Nhà trường mua bán sách giáo khoa, chiếu khấu ở đâu?; Sốt ảo, đầu cơ đất do thiếu thông tin quy hoạch; Hoàn thiện hệ thống cảnh báo với giao dịch chứng khoán bất thường; Bạo lực học đường: đừng mang con trẻ ra để "ăn thua"... là những bài viết đáng chú ý trên các mặt báo sáng 31/5.

 NHÀ TRƯỜNG MUA BÁN SÁCH GIÁO KHOA: CHIẾT KHẤU Ở ĐÂU? 

Năm học 2021-2022 tổng kết cũng là lúc các trường phát sách cho học sinh đã đăng ký mua sách tại trường cho năm học sau. Nhiều phụ huynh phản ánh đầy bức xúc về những bộ sách giáo khoa (SGK) và sách bài tập có giá trên nửa triệu đồng với vài chục đầu sách, và sau đó, nhiều cuốn sẽ “xếp xó” cả năm. Báo Đại đoàn kết đã có bài viết về vấn đề này.

Báo Đại đoàn kết đề cập, một câu hỏi được đặt ra đó là khi người tiêu dùng mua sách bán ngoài thị trường, đa số các loại sách đều được hưởng chiết khấu phần trăm. Ví dụ, một cuốn sách có giá 100.000 đồng, người mua sách sẽ được nhà cung cấp cuối cùng bán với giá chiết khấu 10%, 15%, 20%, thậm chí 25%, 30%. Nhưng sách giáo khoa và kể cả sách tham khảo, sách bài tập đều được phụ huynh mua theo giá bìa. Nó đặt ra một vấn đề mang tính kỹ thuật, đó là phần trăm chiết khấu từ nhà cung cấp đầu tiên đến học sinh đã đi đâu? Đây là một câu hỏi cần có câu trả lời thỏa đáng. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng đặt câu hỏi về những cuốn SGK nằm trong danh mục bắt buộc học sinh phải có, do giáo viên yêu cầu nhưng chưa bao giờ được mở ra trong suốt cả năm học, dù là học online hay học trực tiếp. 

SỐT ẢO, ĐẦU CƠ ĐẤT...DO THIẾU THÔNG TIN QUY HOẠCH

 Sáng 31/5, nhiều tờ báo lớn đã đồng loạt đăng tải thông tin liên quan đến việc Quốc hội thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch. Theo đó nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sốt ảo, đầu cơ đất xảy ra gần đây là do thiếu thong tin quy hoạch.

Báo Nông thôn ngày nay trích dẫn ý kiến của một số đại biểu Quốc hội cho rằng, Theo phản ánh của cử tri thì những gì dân muốn biết, dân cần thực sự rất khó để có thể tiếp cận. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin, sốt ảo đất đai, đầu cơ, thao túng thị trường đất đai, gây bất ổn thị trường, khiếu kiện về đất đai dẫn đến mất an ninh trật tự tại một số địa phương. Nhiều tờ báo khác cũng đề cập, một trong những nội dung quan trọng chưa được báo cáo rõ với Quốc hội, đó là công tác công bố, công khai thông tin quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

HOÀN THIỆN HỆ THỐNG CẢNH BÁO VỚI GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN BẤT THƯỜNG 

 Chuyển sang bài viết khác trên báo Kinh tế đô thị. Mới đây Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi yêu cầu, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống tiêu chí giám sát, xây dựng hệ thống cảnh báo đối với các giao dịch chứng khoán có dấu hiệu bất thường. Thông tin được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Báo Kinh tế đô thị đưa tin, trước những biến động mạnh của thị trường trong thời gian qua, Bộ Tài chính yêu cầu tổ chức niêm yết, tổ chức giao dịch trong thời hạn 24 giờ kể từ khi giá cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sản từ 5 phiên liên tiếp trở lên phải báo cáo, công bố các thông tin liên quan đến công ty có ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu. Đối với giám sát công ty đại chúng, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường giám sát chặt chẽ về công bố thông tin, đặc biệt là báo cáo tài chính kiểm toán. 

BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG: ĐỪNG MANG CON TRẺ RA ĐỂ “ĂN THUA”! 

 Liên quan vụ bạo lực học đường tại trường Quốc tế TP. Hồ Chí Minh, một phụ huynh có con bị đánh đã tổ chức livestream trên mạng xã hội thể hiện sự bất bình, thất vọng trước cách hành xử của phụ huynh, học sinh đánh con mình và thái độ không hợp tác của nhà trường. Điều này đặt ra vấn đề, phụ huynh và nhà trường nên làm gì khi con/học sinh bị đánh ở trường? Bài viết trên báo Giáo dục và Thời đại. 

Báo giáo dục và thời đại trích dẫn ý kiến một số chuyên gia giao dục cho rằng, Mục tiêu cuối cùng đạt được trong câu chuyện bạo lực học đường là giáo dục được nhân cách, cách hành xử, ứng xử của học sinh, chứ không phải là phủi bỏ trách nhiệm hay ai thắng ai thua. Cách ứng xử nhân văn của nhà trường và phụ huynh mới là cách giáo dục tốt nhất trong trường hợp này, để trở thành khuôn mẫu hành vi ứng xử cho học sinh noi theo trong những trường hợp sau. Việc bênh con một cách quá đáng con sẽ luôn luôn ỉ lại và nhân cách sẽ bị méo mó sau này.