Điểm báo 27/6: Trẻ mầm non, tiểu học bị đẩy vào "lò luyện" Ielts

Trẻ mầm non, tiểu học bị đẩy vào "lò luyện" Ielts; Có nên cho trẻ ôn thi Ielts từ lớp 5?; Đánh thuế đồ uống có đường, bước đi bảo vệ sức khỏe cộng đồng; Thương mại điện tử xuyên biên giới: rộng cửa cho hàng xuất khẩu...Là những tin có trong điểm báo sáng nay.

TRẺ MẦM NON, TIỂU HỌC BỊ ĐẨY VÀO "LÒ LUYỆN" IELTS

 

Tiếng Anh thật sự cần thiết và quan trọng, nhưng nó chỉ là một công cụ, không có quốc gia nào đặt việc học ngoại ngữ làm trọng tâm để phát triển khoa học cho đất nước. Cũng liên quan đến “cơn sốt” này, Báo thanh niên có bài viết “Có nên cho trẻ ôn thi IELTS từ lớp 5?”.

  Độ tuổi nào phù hợp để bắt đầu ôn thi IELTS là thắc mắc thường trực của nhiều phụ huynh và học sinh, đặc biệt trong bối cảnh nhiều cơ sở giáo dục từ phổ thông đến đại học đang yêu cầu IELTS hoặc chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương như một yếu tố để tuyển sinh. Theo báo Thanh niên, nhiều chuyên gia cho rằng, Kỳ thi IELTS nhìn chung chỉ phù hợp cho các bạn từ 16 tuổi trở lên. Từ lớp 8, học sinh có thể bắt đầu ôn luyện dần. Còn ở những độ tuổi thấp hơn, khi nhiều bạn chưa quan tâm đến những hiện tượng đời sống, thì rất khó có thể đáp ứng các tiêu chí của bài thi IELTS, ví dụ như tranh luận về vấn đề xã hội nào đó.     

ĐÁNH THUẾ ĐỒ UỐNG CÓ ĐƯỜNG, BƯỚC ĐI BẢO VỆ SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG

Một bài viết đáng chú ý khác. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo Việt Nam là một trong những quốc gia nằm trong vùng nguy cơ cao của béo phì và tim mạch. Mặc khác, đồ uống có đường hiện không chịu thuế, bởi vậy, việc đánh thuế đồ uống có đường là rất cần thiết. Báo kinh tế và đô thị có bài viết về vấn đề này.

 

Theo Bộ Y tế, có bằng chứng cho thấy mối liên quan giữa tiêu thụ đồ uống có đường với bệnh không lây nhiễm, gây ra tổn thất kinh tế, gánh nặng chi phí y tế và tỷ lệ tử vong. Đây cũng một trong những nguyên nhân chính gây thừa cân, béo phì ở cả trẻ em và người lớn. Bởi vậy, việc đánh thuế đồ uống có đường là cần thiết để điều chỉnh hành vi của người dùng, qua đó giảm thiểu tác hại của đồ uống có đường. Theo Kinh tế và đô thị, sau khi tổng hợp ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, có 100 văn bản tham gia ý kiến cho dự thảo Luật, có 74 ý kiến nhất trí bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Điều đó cho thấy, việc này được dư luận đặc biệt quan tâm, coi là một trong những biện pháp giảm lượng tiêu thụ đồ uống có đường, qua đó góp phần giảm các bệnh về béo phì, tim mạch.

 

THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ XUYÊN BIÊN GIỚI: RỘNG CỬA CHO HÀNG XUẤT KHẨU

ơng mại điện tử xuyên biên giới đang bùng nổ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, đây cũng là lĩnh vực được đánh giá tiềm năng. Tuy nhiên, để có được thành công thì cũng không dễ dàng. Bài viết trên báo Đại đoàn kết.

 

Không phải mọi sự đều dễ dàng đối với TMĐT xuyên biên giới. Theo báo đại đoàn kết, đối với hàng hóa xuất khẩu, Việt Nam là nước có thế mạnh nông sản. Tuy nhiên, để thành công TMĐT xuyên biên giới, hàng hóa sẽ phải đi một quãng đường dài, nên doanh nghiệp phải tính toán đến chi phí lưu kho, thời gian hết hạn của sản phẩm. Các sản phẩm nông sản tươi, kích thước nặng hay cồng kềnh không có nhiều lợi thế ở mảng xuất khẩu bán lẻ online. Các sản phẩm nông sản chế biến hoặc sấy khô như các loại hạt, trái cây sấy khô, bánh tráng, snack… sẽ có lợi thế. Ngoài ra, cần cân nhắc đến khác biệt về nhiệt độ tại từng thị trường hay từng mùa làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa.