• 1115 lượt xem
  • 13:44 25/05/2022
  • Xã hội

Điểm báo ngày 25/5: Còn nhiều bộn bề khi kiểm soát dòng tiền sẽ vẫn là bài toán khó

Còn nhiều bộn bề khi kiểm soát dòng tiền sẽ vẫn là bài toán khó; Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt – thúc đẩy phục hồi sản xuất kinh doanh; Cách nào kìm giá xăng?; Đồng bộ để tạo diện mạo văn minh... là những tin nổi bật đăng trên các báo ra ngày 25/5/2022.

CÒN NHIỀU BỘN BỀ KHI KIỂM SOÁT DÒNG TIỀN SẼ VẪN LÀ BÀI TOÁN KHÓ 

Theo thông tin đăng tải số ra sáng nay trên Thời báo tài chính Việt Nam cho biết việc Chính phủ đã chính thức ban hành nghị định về gói hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước đã tạo tâm lý hứng khởi trong cả giới ngân hàng và các nhà kinh doanh. Tuy nhiên, việc chi tiết hóa cũng vẫn còn chờ thông tư hướng dẫn cụ thể hơn, cùng với các giải pháp kiểm soát dòng tiền đến đúng địa chỉ cũng là bài toán khó.

Theo đại diện của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm dự kiến triển khai trong hai năm 2022 - 2023, tương đương với quy mô dư nợ khoảng 1 triệu tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, một trong những vấn đề đặt ra đó là việc kiểm soát dòng tiền, cụ thể lượng tiền lớn đổ ra nền kinh tế có thể dẫn đến nguy cơ lạm phát nếu không được kiểm soát tốt. Theo quy định tại Nghị định 31, trong quá trình thực hiện, trường hợp phát hiện khoản vay của khách hàng được xác định không thuộc đối tượng, sử dụng vốn vay sai mục đích hoặc không đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất, ngân hàng thương mại thông báo cho khách hàng và thực hiện chuyển khoản vay được hỗ trợ lãi suất thành khoản vay thông thường, đồng thời thu hồi toàn bộ số tiền ngân hàng thương mại đã hỗ trợ lãi suất trong vòng 30 ngày kể từ ngày thông báo. Trường hợp khách hàng không hoàn trả số tiền đã được hỗ trợ lãi suất, ngân hàng thương mại có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nơi khách hàng đặt trụ sở chính) để báo cáo UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn phối hợp với ngân hàng thương mại thu hồi số tiền đã hỗ trợ lãi suất.

NGƯỜI VIỆT ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VIỆT – THÚC ĐẨY PHỤC HỒI SẢN XUẤT KINH DOANH 

Liên quan đến lĩnh vực doanh nghiệp – thị trường, 1 trong những thông tin đáng chú ý được đăng tải trên thời báo tài chính Việt Nam số ra sáng nay cho biết. Hiện nay, người Việt Nam không chỉ ưu tiên dùng hàng Việt Nam mà trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng gặp khó khăn, không ít người tiêu dùng đã coi hàng Việt là niềm tự hào và là lựa chọn số 1, qua đó góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh.

Theo thống kê từ Bộ Công thương, đến nay Hàng Việt đã chiếm tỉ lệ cao (trên 90%) trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước, tại các hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam, tỉ lệ này chiếm từ 60 - 96%. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỉ lệ hàng Việt tại chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên. Một nghiên cứu gần đây chỉ rõ, sau dịch Covid-19, có 76% người tiêu dùng Việt Nam chuộng hàng nội địa, đặc biệt là những sản phẩm đã có thương hiệu, bảo đảm chất lượng và tốt cho sức khỏe. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cũng sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và ứng dụng thương mại điện tử trong các hoạt động mua sắm hàng Việt Nam theo hình thức phù hợp với tình hình mới, nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam tới các đối tác, doanh nghiệp trong và nước ngoài. 

CÁCH NÀO KÌM GIÁ XĂNG?

Một trong những thông tin đáng chú ý mà ắt hẳn nhiều người sẽ chú ý, đó là liên quan đến giá xăng hiện nay. Theo thông tin đăng tải trên báo Đại đoàn kết số ra sáng nay, Sau 10 lần tăng giá kể từ đầu năm 2022, giá xăng RON 95-III đã lập đỉnh mới, lên 30.657 đồng/ lít. Nhiều chuyên gia lo ngại, với đà tăng giá của mặt hàng xăng dầu - đầu vào của nền kinh tế, mức lạm phát mục tiêu đặt ra dưới 4% liệu có khả thi?

Giá xăng tăng liên tiếp trong các kỳ điều chỉnh gần đây, và đến nay giá xăng tiếp tục điều chỉnh lên 30.650 đồng/lít. Giá xăng lập đỉnh mới, người dân và người buôn bán nhỏ càng cảm thấy lo lắng hơn. Giới chuyên gia cho rằng nền kinh tế đang trên đà hồi phục, việc giá xăng dầu liên tục tăng gây áp lực rất lớn lên tiến trình này. Giá xăng dầu trong nước lại đang phụ thuộc giá thế giới nên giá trong nước rất khó giảm. Tuy nhiên, nhà quản lý vẫn có thể kìm hãm đà tăng này bằng chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Giảm được một số loại thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp lúc này là rất nên làm. Tuy nhiên, hiện tại, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang chịu 4 loại thuế: Giá trị gia tăng 10%, thuế nhập khẩu 10%; TTĐB 10% và bảo vệ môi trường. Như vậy, ước tính bình quân thuế, phí hiện chiếm khoảng 42 - 43% đối với xăng và 21 - 27% đối với dầu. Thuế TTĐB có tác dụng định hướng hành vi, tiết kiệm năng lượng và phù hợp với mục tiêu phát triển xanh, sạch mà Đảng, Nhà nước đã và đang tiến hành, cam kết với quốc tế. Thế nên, việc phải giảm hay bỏ ngay thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng e là còn nhiều rào cản.

ĐỒNG BỘ ĐỂ TẠO DIỆN MẠO VĂN MINH

 Bên cạnh những khu đô thị mới đồng bộ, hiện đại được xây dựng tạo bộ mặt đô thị khang trang, Hà Nội vẫn còn nhiều khu vực dân cư, tuyến phố có hình thái cảnh quan thiếu tính trật tự, nhiều nơi còn nhếch nhác, kiến trúc thiếu đặc trưng...Nguyên nhân là do công tác thiết kế đô thị hoặc thiết kế chỉnh trang các tuyến phố hiện vẫn còn nhiều tồn tại. Bài viết được đăng tải trên báo Kinh tế và Đô thị số ra sáng nay.

Hà Nội đang đẩy mạnh việc thực hiện chương trình “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”. Một trong những chỉ tiêu quan trọng của Chương trình đang được 12 quận tập trung triển khai là cải tạo, chỉnh trang hè, đường phố với 180 tuyến. Do vậy, để có cơ sở thực hiện, các tuyến phố sau khi chỉnh trang thực sự khang trang, có điểm nhấn về kiến trúc thì những vướng mắc về công tác thiết kế đô thị hoặc thiết kế chỉnh trang các tuyến phố rất cần được quan tâm tháo gỡ. Đưa ra giải pháp các chuyên gia cho rằng trước tiên cần tổ chức lập kế hoạch rà soát hiện trạng công trình tại các khu vực giới hạn, đoạn tuyến, tuyến phố theo địa bàn từng quận. Sau đó tổ chức lập và phê duyệt thiết kế chỉnh trang các khu vực, mặt đứng các tuyến phố cần ưu tiên. Nhất là chính quyền địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trật tự xây dựng, tháo dỡ và xử lý các công trình vi phạm thông qua các tổ chức giám sát cộng đồng với sự tham gia của giới chuyên môn và người dân từng khu vực.