Điểm báo 16/05: Lợi nhuận tụt dốc, mỗi ngày có 4 doanh nghiệp bất động sản giải thể

Lợi nhuận tụt dốc, mỗi ngày có 4 doanh nghiệp bất động sản giải thể; "Khủng hoảng" nhà ở xã hội: Dân nghèo ở Hà Nội chật vật tìm chốn an cư; Doanh nghiệp bảo hiểm cần chú trọng hơn đến chất lượng đại lý; Lợi ích đường dài khi xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc...Là những tin tức nổi bật có trong điểm báo sáng nay.

LỢI NHUẬN TỤT DỐC, MỖI NGÀY CÓ 4 DOANH NGHIỆP BẤT ĐỘNG SẢN GIẢI THỂ

Liên tục sụt giảm doanh thu, nhiều doanh nghiệp bất động sản mới đây đã thông báo cắt giảm nhân sự, giải thể nhiều công ty con để cầm cự. Bài viết trên báo Lao động.

Số liệu mới nhất từ Bộ Xây dựng cho thấy, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn trong 3 tháng đầu năm lần lượt là 341 doanh nghiệp (tăng 30,2%) và 1.816 doanh nghiệp (tăng 60,7%) so với cùng kỳ năm trước. Tương ứng mỗi ngày có gần 4 doanh nghiệp bất động sản giải thể. Ngoài ra, chỉ tính trong quý I/2023 đã có thêm khoảng 50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động. Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp có quy mô dưới 50 nhân viên thậm chí còn phải chấm dứt hợp đồng với khoảng 70% người lao động do không còn nguồn lực để cầm cự.

'KHỦNG HOẢNG' NHÀ Ở XÃ HỘI: DÂN NGHÈO Ở HÀ NỘI CHẬT VẬT TÌM CHỐN AN CƯ

 Việc TP.Hà Nội thực hiện không thành công chính sách phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua khiến người dân, nhất là người thu nhập thấp phải chật vật để an cư.

Theo bài viết trên báo Thanh niên, Giá nhà ở xã hội tại Hà Nội tăng mạnh do nguồn cung mới quá ít, trong khi nhu cầu lại quá mạnh. Không chỉ ở Hà Nội, mà tại nhiều đô thị khác như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… nhà ở cho tầng lớp bình dân đang rất thiếu. Nhiều người càng cố làm lụng thì càng khó với tới nhà do thu nhập, tích lũy tăng quá chậm so với sức tăng của giá căn hộ, mà vay ngân hàng mua nhà thì không phải ai cũng đủ điều kiện, cũng chịu được lãi suất. Để giải quyết khủng hoảng thiếu nhà ở xã hội, nhiều người kỳ vọng chính sách xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội của Chính phủ. Nhưng để thành công, cần nới thêm nhiều ưu đãi về mức lãi suất, chính sách phát triển quỹ đất cho nhà ở xã hội.

DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM CẦN CHÚ TRỌNG HƠN ĐẾN CHẤT LƯỢNG ĐẠI LÝ

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đang tập trung đào tạo có sự thiên lệch cho các đại lý của mình về kỹ năng bán hàng, thông tin sản phẩm, kỹ năng quản lý đội nhóm… Hay nói cách khác, doanh nghiệp chú trọng đào tạo kỹ năng bán hàng nhiều hơn là kiến thức nền tảng về bảo hiểm cho đại lý.

Theo bài viết trên Thời báo tài chính Việt Nam, Quy mô của thị trường BHNT của Việt Nam hiện nay lớn hơn rất nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, thị trường vẫn có những tồn tại về chất lượng tư vấn đại lý bảo hiểm, cũng như việc nhiều khách hàng không đọc kỹ hợp đồng trước khi mua. Đây là những vấn đề cần thay đổi, để thị trường không chỉ tăng trưởng mà còn phát triển, nhất là khâu đào tạo và tư vấn của đại lý bảo hiểm. Về mặt pháp lý, khuôn khổ pháp lý của thị trường BHNT của Việt Nam được cho là tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, khâu tuân thủ và giám sát tuân thủ cần phải đẩy mạnh hơn nữa như đào tạo kiến thức pháp lý, kiến thức nền về bảo hiểm, hay đạo đức nghề nghiệp…

LỢI ÍCH ĐƯỜNG DÀI KHI XUẤT KHẨU CHÍNH NGẠCH SANG TRUNG QUỐC

Xác định xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là xu thế tất yếu, mang lại lợi ích đường dài, Bộ Công Thương đã và đang khuyến cáo, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi theo lộ trình rõ ràng.

Theo bài viết trên báo Kinh tế và đô thị, Gần đây Trung Quốc dựng lên những rào cản mới cho nhập khẩu tiểu ngạch ngang bằng với chính ngạch đã cho thấy hàng nông sản Việt Nam không còn nhiều cơ hội đi tiểu ngạch như trước đây. Trong khi đó, có tới 70% sản lượng nông sản xuất khẩu sang nước bạn bằng đường tiểu ngạch và doanh nghiệp xuất khẩu đa phần là doanh nghiệp nhỏ. Cũng theo bài viết, các địa phương, cơ quan quản lý nên xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường. Với doanh nghiệp, cần thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu và nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường.

Hoàng Hương