Đề xuất tăng thời gian tạm trú, mở rộng diện miễn thị thực

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, các ý kiến đại biểu bày tỏ băn khoăn về thời gian tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam và số quốc gia được đơn phương miễn thị thực vẫn chưa nhiều so với các nước trong khu vực.

Đồng thời đề nghị cần tăng thời gian tạm trú cũng như tăng số lượng các nước được miễn thị thực để thu hút khách nước ngoài đến du lịch, công tác tại Việt Nam. 

Theo Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về du lịch, đang là địa điểm hàng đầu về thu hút đầu tư quốc tế. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, với sự dịch chuyển kinh tế toàn cầu, Việt Nam đang được thế giới rất chú ý, rất nhiều khách du lịch, đặc biệt là các nhà đầu tư kinh doanh có nhu cầu đến Việt Nam tìm hiểu, xúc tiến đầu tư… Nhưng thực tế lại cho thấy Việt Nam "đi trước về sau trong mở cửa lại du lịch", một phần vì chính sách visa chưa được cởi mở. Vì thế, dự thảo luật Xuất nhập cảnh sửa đổi với những quy định mới, cởi mở hơn… sẽ thúc đẩy xúc tiến thương mại đầu tư, thúc đẩy du lịch.

So sánh chính sách thị thực du lịch của Việt Nam với một số các quốc gia trong khu vực, các ý kiến đại biểu cho rằng thời hạn cấp tạm trú của Việt Nam thấp hơn. Trong số 11 quốc gia Đông Nam Á, chỉ còn Việt Nam và Myanmar yêu cầu phải xin thị thực trước khi đến đối với đa phần các thị trường nhập cảnh từ 30 ngày trở xuống. Trong khi đó, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia đã miễn thị thực trong 30 - 90 ngày đối với khách quốc tế từ các quốc gia là thị trường du lịch chính của họ.

Đồng tình với quan điểm trên, các ý kiến đại biểu cho rằng dự thảo luật đã có nhiều điểm mới nhằm tạo điều kiện để người nước ngoài đến du lịch, công tác tại Việt Nam, tuy nhiên cũng đề xuất cần nâng thời gian tạm trú.

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hợp tác quốc tế; nâng cao nội lực; thúc đẩy việc tham gia các cơ chế đa phương trong lĩnh vực quản lý xuất, nhập cảnh; chia sẻ dữ liệu xuất, nhập cảnh, dữ liệu về các đối tượng không được hoan nghênh, tiến tới việc xem xét thí điểm công nhận thị thực của nước thứ ba nếu điều kiện cho phép vào thời điểm thích hợp.