Đề xuất tăng biên độ trích từ khoản tiền thu hồi qua thanh tra cho cơ quan thanh tra

Sáng 16/8, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.

Trong 5 năm giai đoạn 2018 -2022, các cơ quan thanh tra đã thu hồi qua công tác thanh tra nộp vào ngân sách nhà nước là 15.960 tỷ đồng, lập dự toán và báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp để được trích kinh phí theo quy định. Các cơ quan thanh tra được trích 1.902 tỷ đồng (trung bình 380,4 tỷ đồng/năm), chiếm 12% so với khoản tiền được thu nộp.

Dự thảo Nghị quyết quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi đã nộp vào ngân sách nhà nước để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra. Tổng số kinh phí được trích bình quân trong 1 năm của giai đoạn 2018-2022 là 380 tỷ đồng. Nếu thực hiện theo chính sách mới (tăng biên độ), thì kinh phí hàng năm trích theo cơ quan thanh tra ước tính tăng 45 tỷ đồng, tương ứng tăng khoảng 12% so với mức trích theo quy định hiện hành. Trong đó ngân sách trung ương tăng 27 tỷ đồng, ngân sách địa phương tăng 28 tỷ đồng.

Ủy ban Tài chính Ngân sách tán thành sự cần thiết ban hành quy định này. Đối với mức trích, đa số ý kiến đề nghị giữ nguyên mức trích tối đa và biên độ như mức các cơ quan thanh tra đang được hưởng theo quy định hiện hành do quy định này đã có căn cứ thực tiễn và bảo đảm lập, quyết định dự toán chi, sử dụng kinh phí được trích không vượt quá nhu cầu chi hằng năm của các cơ quan thanh tra. Đồng thời đề nghị quy định rõ Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và áp dụng từ năm ngân sách 2024.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Thanh Nga -

Cao Hoàng