Đề nghị không quy định tòa án giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, 14h00 ngày 22/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân, đại biểu bày tỏ đồng tình với những quy định về trách nhiệm thực hiện quyền tư pháp của Tòa án như trong dự thảo luật để thể chế hóa nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết 27 đã đề ra, xác định thẩm quyền của Tòa án là thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp, đồng thời cũng là để cụ thể hóa quy định tại khoản 1 Điều 102 của Hiến pháp.

Tuy nhiên, đại biểu cho biết, điểm d khoản 2 Điều 3 của dự thảo luật quy định: Tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy sẽ làm phát sinh một số vấn đề.

Theo đại biểu, cơ quan làm ra luật thì mới có thể giải thích đúng đắn tinh thần pháp luật. Quốc hội ban hành luật, thì chỉ Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới được giải thích luật. Chính phủ, các bộ, ngành ban hành Nghị định, Thông tư chỉ để hướng dẫn thi hành, hoặc quy định chi tiết. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng chỉ ban hành Nghị quyết để hướng dẫn đường lối xét xử. Đại biểu cho rằng hệ thống quy định như vậy đã đảm bảo hợp lý.

Đại biểu đặt vấn đề, kết quả giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử đó có là một trong những nguồn tham chiếu để giải quyết các vụ án, vụ việc khác hay không? Hay chỉ phục vụ xét xử vụ án cụ thể đó? Trong trường hợp là nguồn tham chiếu thì giá trị của việc giải thích đó như thế nào trong hệ thống pháp luật? Có mâu thuẫn, xung đột gì với chức năng giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật của các cơ quan khác? Nếu có mâu thuẫn thì nên áp dụng theo nguồn nào?

Đại biểu đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo, hoặc quy định lại theo hướng “giải thích lý do áp dụng quy định pháp luật” để đảm bảo rõ ràng về nghĩ, nhất quán và đồng bộ trong triển khai thực hiện.

Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số