Đầu tư nguồn lực trùng tu di tích ở các xã thuần nông

Phần lớn các di tích văn hóa ở nước ta đều được làm từ chất liệu gỗ, trải qua chiều dài lịch sử, do điều kiện thời tiết, khí hậu nóng ẩm nên các di tích thường xuống cấp nhanh chóng.

Những năm qua, chủ trương xã hội hóa công tác tu bổ di tích được các địa phương triển khai sâu rộng, thu hút được nhiều nguồn lực xã hội cho hoạt động bảo vệ, tu bổ và phát huy giá trị di sản văn hoá.

Tuy nhiên do đặc thù của những địa phương còn thuần nông, điều kiện kinh tế còn gặp khó khăn, việc huy động nguồn lực cho công tác trùng tu di tích là không dễ dàng, đây cũng là vấn đề được nhắc tới trong cuộc trả lời phỏng vấn của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh.

Đình Phượng An thờ Vua Hùng thứ 18 (Hùng Duệ Vương) và các tướng lĩnh thời Hùng Vương: Tản Viên, Quý Minh – những nhân vật lịch sử có sự tích nằm trong hệ thống huyền thoại thời dựng nước. Theo khảo sát của địa phương, tổng mức đầu tư để sửa chữa đình Phượng An lên tới con số gần 10 tỷ đồng. Phượng Lâu là một xã thuần nông với gần 300 hộ dân, việc huy động nhân dân đóng góp để trùng tu di tích là hết sức khó khăn.

Còn đình Hùng Lô, một di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nằm ở làng cổ Hùng Lô, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Khi có mặt ở ngôi đình này, bên cạnh những nét cổ xưa còn lắng đọng, chúng ta cũng thấy rất rõ tình trạng xuống cấp trầm trọng của ngôi đình, mối mọt đã ăn sâu vào bên trong trụ, nhiều cánh cửa phụ, các chi tiết nhiều chỗ bị hư hỏng cần thay thế, mái đình nhiều vị trí cũng bị xuống cấp, dột nát và rơi gãy…

Với mức kinh phí dự kiến gần 2,5 tỷ đồng được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chấp thuận phương án tu bổ, tôn tạo bằng biện pháp chắp - vá - nối đối với cấu kiện hư hỏng một phần, chỉ thay mới cấu kiện bị hư hỏng hoàn toàn khi có sự đồng ý của Hội đồng đánh giá. Người dân địa phương hy vọng sẽ có thể giữ được nét cổ kí‎nh và dấu rêu phong trên má‎i ngói, trên cổng đình và văn hoa, kiến trúc của ngôi đình.

Có thể thấy khó khăn trong nguồn vốn để trùng tu di tích đang là thực trạng chung của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Nhiều di tích đã xuống cấp, cần phải được trùng tu nhưng nguồn vốn có hạn, phải phân bổ dàn trải nên ít di tích được đầu tư trùng tu hoàn thiện, hiệu quả không cao.

Mỗi di tích đều gắn liền với những câu chuyện lịch sử khác nhau, song tựu chung đều là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của người dân nước Việt. Với một địa phương có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa phong phú như Phú Thọ thì việc quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn lực để đẩy mạnh công tác trùng tu, tu bổ các di tích sẽ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, gắn với phát triển du lịch bền vững ở địa phương.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Bích Liên