Đằng sau việc Triều Tiên mở rộng kho vũ khí hạt nhân

Trong cuộc họp kéo dài 5 ngày của Đảng Lao động Triều Tiên vào dịp cuối năm 2022 ở Bình Nhưỡng, Nhà lãnh đạo Kim Châng-ưn đã yêu cầu phát triển các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới, đồng thời chế tạo các vũ khí hạt nhân chiến thuật có mức độ hủy diệt lớn.

Động thái này được nhiều chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng có thể gia tăng các hoạt động làm leo thang căng thẳng trong năm 2023, bất chấp các lệnh trừng phạt từ nước ngoài.

LIÊN TỤC CÁC VỤ PHÓNG TÊN LỬA ĐẦU NĂM MỚI

8h sáng 31/12/2022 (theo giờ địa phương), Triều Tiên đã phóng 3 tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ huyện Chunghwa, tỉnh Bắc Hwanghae ra vùng biển phía Đông Hàn Quốc.
Chỉ ngay sau đó 1 ngày, sáng sớm ngày 01/01/2023, Triều Tiên tiếp tục phóng đi một tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ khu vực Yongseong ở thủ đô Bình Nhưỡng.

Các vụ phóng mới nhất được thực hiện trong bối cảnh Ban chấp hành Trung ương khóa VIII của Đảng Lao động Triều Tiên tiến hành kỳ họp toàn thể mở rộng lần thứ 6. Tại đây, Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã yêu cầu sản xuất hàng loạt tên lửa hạt nhân tầm ngắn có thể sử dụng để chống lại Hàn Quốc, cũng như chế tạo một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới nhằm vào mục tiêu tại Mỹ.

Bà RI CHUN HEE, Đài Truyền hình Trung ương Triều Tiên: “Tình hình hiện nay nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết của việc sản xuất hàng loạt vũ khí hạt nhân chiến thuật và kêu gọi gia tăng theo cấp số nhân kho vũ khí hạt nhân của đất nước.”

Nguyên nhân được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đưa ra là do những động thái cứng rắn từ phía Hàn Quốc. Khi Triều Tiên đưa máy bay không người lái (UAV) qua biên giới liên Triều vào tuần trước, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã tuyên bố “trả đũa”, ra lệnh cho quân đội Hàn Quốc đưa UAV vào không phận Triều Tiên.

Tổng thống Hàn Quốc YOON SUK-YEOL: “Hàn Quốc sẽ đẩy nhanh kế hoạch thành lập một đơn vị máy bay không người lái càng sớm càng tốt. Sau đó, Hàn Quốc sẽ tăng cường khả năng giám sát và tranh sát bằng các máy bay không người lái tang hình tiên tiến.”

GIẢI PHÁP TRƯỚC CÁC MỐI ĐE DỌA NƯỚC NGOÀI

Năm 2022 là năm Triều Tiên phóng nhiều tên lửa nhất từ trước tới nay. Việc Triều Tiên mở rộng kho vũ khí hạt nhân trong năm mới, mặc dù không nằm ngoài dự kiến, nhưng đã làm dấy lên nguy cơ gia tăng căng thẳng gia trên Bán đảo Triều Tiên, vì Hàn Quốc sẽ không ngại đối đầu với Bình Nhưỡng.

Giáo sư LEIF-ERIC EASLEY, Đại học Ewha Womans ở Seoul, Hàn Quốc: “Với việc ông Kim Jong-un từ chối ngoại giao và đe dọa sản xuất vũ khí hạt nhân hàng loạt, chính quyền Tổng thống Yoon có khả năng tăng cường hơn nữa khả năng phòng thủ và sự sẵn sàng của Hàn Quốc.”

Các nhà phân tích cho rằng, với việc mở rộng kho hạt nhân, Triều Tiên hy vọng có thể gửi thông điệp đến Mỹ và các đồng minh rằng các biện pháp trừng phạt không có tác dụng ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng, và họ nên quay lại bàn đàm phán với những nhượng bộ.

Ông YANG MOO-JIN, Hiệu trưởng Đại học Nghiên cứu về Triều Tiên ở Seoul: “Trước đây, Triều Tiên có xu hướng tập trung gây sức ép lên Mỹ, phớt lờ Seoul và ủng hộ đối thoại trực tiếp với Washington. Nhưng lần này, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dường như tập trung vào việc gây sức ép với Hàn Quốc và làm gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên như một cách gián tiếp để buộc Washington phải hành động”

Thất bại của các cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều năm 2019 đã khiến Bình Nhưỡng tin rằng “cho dù đảng nào nắm quyền ở Washington, Mỹ cũng không có ý định mặc cả với Triều Tiên” và “bảo đảm một lực lượng hạt nhân mạnh mẽ là giải pháp duy nhất để Triều Tiên chống lại sức ép và các mối đe dọa” từ nước ngoài.