Đại biểu Quốc hội thảo luận kỹ năng chất vấn và giám sát bằng hình ảnh

Hôm 13/01, tại tỉnh Tuyên Quang, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Đại sứ quán Vương Quốc Anh tại Hà Nội tổ chức Hội nghị kỹ năng giám sát và chất vấn dành cho đại biểu dân cử.

Hôm 13/01, tại tỉnh Tuyên Quang, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Đại sứ quán Vương Quốc Anh tại Hà Nội tổ chức Hội nghị kỹ năng giám sát và chất vấn dành cho đại biểu dân cử. Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND của 17 tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh trở ra tham dự Hội nghị.

Hội nghị là dịp để các đại biểu dân cử, đặc biệt là các đại biểu dân cử trúng cử lần đầu, đại biểu là người dân tộc thiểu số nắm được những kiến thức, kỹ năng về giám sát thông qua các báo cáo, chia sẻ kinh nghiệm của các Báo cáo viên hoạt động nhiều khóa tại Quốc hội và HĐND; sự chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm Quốc tế trong hoạt động giám sát nói chung và giám sát những nội dung về chính sách dân tộc, miền núi của các chuyên gia.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ nhiều mô hình giám sát và chất vấn có hiệu quả, như mô hình giám sát bằng hình ảnh tại tỉnh Tuyên Quang.

Bà Lê Thị Thanh Trà - Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Tuyên Quang: “Ví dụ như việc con em các đồng bào dân tộc thiểu số nhưng hiện nay không biết sử dung tiếng của đồng bào dân tộc mình, hoặc là không sử dụng trang phục của dân tộc mình. Đấy là những hạn chế mà Đoàn giám sát đã chỉ ra, ghi lại bằng hình ảnh, bằng những lời phỏng vấn cụ thể, trên cơ sở đó kiến nghị các giải pháp để khắc phục những hạn chế này”.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Qua hình ảnh thì HĐND Tuyên Quang đã tổ chức giám sát và truy xét đến cùng nội dung giám sát, việc đó giúp cho những cơ quan chịu sự giám sát phải chú trọng để khắc phục những tồn tại, đem đến niềm tin của cử tri, nhân dân cả nước”.

Bên cạnh đó, các Đại biểu cũng nhấn mạnh đến hình thức giám sát thông qua hoạt động chất vấn,  qua đó giúp làm rõ trách nhiệm và nâng cao vị thế của ĐBQH.
Ông Bế Trung Anh - Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: “Nếu thấy một vấn đề mà Đại biểu cần phải có tiếng nói cho người dân, cử tri, thì hỏi 1 cách đơn giản, chân thành và thực sự là 1 người cầu thị. Và cũng là để cho người bị chất vấn thấy là có trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, người dân trên cương vị mình phụ trách”.

Cũng theo các Đại biểu, trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu về giám sát cũng như chất vấn có nhiều thay đổi so với trước đây. Trong đó, nhiều ý kiến bày tỏ, cần lựa chọn nội dung giám sát giữ vai trò hạt nhân, đồng thời phải có những hình thức giám sát linh hoạt và hiệu quả.

Như Huỳnh