Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách phải là lực lượng nòng cốt, then chốt trong công tác xây dựng pháp luật

Sáng 28/03, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, thảo luận về Dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3. Đây là hội nghị đại biểu hoạt động chuyên trách đầu tiên nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, theo hình thức họp tập trung tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội kết hợp với trực tuyến.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo, định hướng cho hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ khóa 15, trong đó đặt ra yêu cầu Quốc hội cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị thế của mình trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước. Quán triệt sâu sắc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc toàn lần thứ 13. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Kế hoạch 81 để triển khai thực hiện Kết luận 19 của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội có nội dung trọng tâm về công tác lập pháp. Với tinh thần chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm, từ xa, ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ hai, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan chủ trì kiểm tra, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan khẩn trương tổng hợp, nghiêm túc giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH; tổ chức nhiều cuộc khảo sát thực tế, hội đàm, tọa đàm lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động trực tiếp; tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về các dự án Luật.  

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Quy trình lần này thì khi mà trình Quốc hội tại Kỳ họp để biểu quyết thông qua thì Quốc hội sẽ lấy thêm ý kiến một lần nữa đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đại diện các tầng lớp nhân dân và  ý kiến của Hiệp hội doanh nghiệp thống đại diện cho các Hiệp hội doanh nghiệp, cách làm như thế để cho các yêu cầu, mục tiêu, các nguyên tắc xây dựng các dự án Luật được thông suốt từ khi trình đến khi thông qua.”

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng gợi mở, nhấn mạnh và trao đổi 1 số nội dung cơ bản, xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về 4 dự án luật. Cụ thể, về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đây là dự án Luật có hơn 100 điều của luật hiện hành phải sửa đổi, đồng thời còn điều chỉnh 1 số quy định tại 4 luật khác có liên quan. Việc ban hành luật sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả nền kinh tế trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Về dự thảo Luật Thi đua khen thưởng sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, dự án Luật này có phạm vi điều chỉnh rất rộng, việc sửa đổi đòi hỏi phải được thực hiện một cách thận trọng, kỹ lưỡng, có tính tổng thể nhằm bảo đảm công tác thi đua khen thưởng ngày càng đi vào thực chất, động viên, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Về dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, điện ảnh là 1 loại hình Văn học nghệ thuật, công nghiệp điện ảnh là 1 ngành kinh tế. Luật điện ảnh được sửa đổi toàn diện nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, Hiến pháp năm 2013, xây dựng nền điện ảnh Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong tổng thể phát triển của văn hóa xã hội, bảo đảm tính minh bạch, tính khả thi cao và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, thực hiện hiệu quả các cam kết trong khuôn khổ pháp lý quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Tinh thần này đã được thể hiện mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc từ Hội nghi Văn hóa toàn quốc, đồng chí Tổng Bí thư đã có bài phát biểu hết sức quan trọng để định hướng cho công tác Văn hóa, lần này chúng ta xem xét sửa đổi Luật Điện ảnh cũng nhằm cụ thể hóa chủ trương đó.”

Về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự án luật này sửa đổi toàn diện nhằm kịp thời giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra; xây dựng và phát triển thị trường bảo hiểm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đồng thời thể chế hóa quan điểm chủ trương, đường lối của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ hiện đại có giá trị gia tăng cao như tài chính ngân hàng, bảo hiểm, logistic.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách thể hiện rõ vai trò là lực lượng nòng cốt, then chốt; phát huy bề dày kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thảo luận tranh luận để thể hiện rõ chính kiến, có phân tích sâu sắc, lập luận thuyết phục, phản biện tích cực về các vấn đề của dự thảo luật cũng như những vấn đề thực tiễn đặt ra để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng cao nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định thông qua tại kỳ họp thứ 3.
 

Quang Sỹ