Đại biểu Nguyễn Trúc Anh: Năng suất lao động khu vực công thấp chủ yếu là do lỗi hệ thống

Bàn giải pháp nâng cao năng suất lao động khu vực công trong phiên thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2023 sáng 1/6, đại biểu Nguyễn Trúc Anh - Đoàn Hà Nội cho rằng do chưa có quy trình làm việc khoa học nên năng suất lao động tại khu vực này còn thấp.

Tranh luận với một số ý kiến liên quan đến tăng lương, cải cách hành chính, phân cấp phân quyền đại biểu Nguyễn Trúc Anh cho rằng, đề xuất giải pháp tăng lương cán bộ, công chức là chưa căn cơ và chưa giải quyết được gốc vấn đề; nếu tăng lương thì tăng bao nhiêu cho đủ khi năng suất lao động của Việt Nam thuộc hàng trên thế giới.

Đại biểu phân tích, ngoài tăng lương chúng ta có thể nghĩ tới những giải pháp khác căn cơ hơn về mặt an sinh cũng như thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm tăng hiệu quả năng suất lao động, như được cung cấp bằng chính sách nhà ở xã hội, con cái được học trường tốt, đi lại được hỗ trợ bằng giao thông công cộng như một số nước trên thế giới đang áp dụng, chế độ nghỉ dưỡng, nghỉ phép đầy đủ. Chính sách ưu đãi thu hút nhân lực và khu vực công khi giá cả thị trường trượt giá, lạm phát cao và tăng lương khó có thể gánh vác hết. 

Mặt khác, chúng ta phải tìm giải pháp tăng năng suất lao động cho khu vực công, bởi năng suất thấp, nguyên nhân chủ yếu là lỗi hệ thống nhiều hơn là lỗi cá nhân. Chúng ta chưa đưa thiết kế được quy trình làm việc khoa học, các quy định, hướng dẫn, tập huấn chưa đầy đủ; nghị định, thông tư, luật định chưa rõ ràng, nhiều cách hiểu dẫn tới công chức không biết đâu mà làm, mạnh dạn làm thì lúc đúng lúc, sai cho nên không hiệu quả, năng suất thấp.

Đại biểu cũng cho rằng, Chính phủ khó đưa ra được hành lang pháp lý bảo vệ người dám nghĩ, dám làm vì theo đại biểu công chức chỉ làm theo các quy định, không nên sáng tạo ngoài quy định. Quy trình sáng tạo khi cần có sự thay đổi tốt hơn cả vẫn là các nhà nghiên cứu, viện nghiên cứu mổ xẻ, có quy trình hội thảo phản biện, đánh giá tác động đầy đủ, chín muồi rồi áp dụng. 

Về phân cấp phân quyền, đại biểu kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa về phân cấp, phân quyền cho địa phương. Ngoài ra, đại biểu đề nghị để tăng tính chủ động cho địa phương, Chính phủ xem xét, phân cấp thẩm quyền duyệt phương án chữa cháy cho các địa phương. Các Bộ, ngành Trung ương chỉ nên thẩm định đánh giá tác động môi trường, phương án phòng cháy, chữa cháy, thiết kế cơ sở đối với các dự án đòi hỏi kỹ thuật cao, những dự án có ảnh hưởng xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Mời quý vị theo dõi nội dung chương trình!