Đà Nẵng: Tạo nguồn nhân lực đón đầu ngành vi mạch bán dẫn

Đà Nẵng được đánh giá là nhiều tiềm năng trở thành trung tâm thiết kế vi mạch của cả nước. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao hiện vẫn là hạn chế của Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng. Điểm nghẽn này đang được địa phương tìm phương án khơi thông để đón bắt cơ hội trong ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn này.

Ngày 21/10 vừa qua, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn, ĐH Đà Nẵng công bố tuyển sinh khoảng 500 chỉ tiêu ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn, đồng thời điều chỉnh chương trình đào tạo và chuyển tiếp 180 sinh viên đang học các ngành gần, dự kiến đến năm 2025 sẽ có khóa đầu tiên tốt nghiệp.

Tuy nhiên, con số đó vẫn còn rất thiếu so với nhu cầu. Ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có thiết kế chip cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, hiện chỉ đáp ứng dưới 20%. Nhìn nhận được vấn đề này, nên việc thiết kế, đổi mới chương trình đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, hợp tác với doanh nghiệp được Đà Nẵng và các trường đào tạo đặc biệt quan tâm.

Hiện nhân lực công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng đứng thứ 3 cả nước, sau TP.HCM và Hà Nội. Nhưng trong khoảng 5.500 kỹ sư thiết kế chip, Đà Nẵng chỉ chiếm 7%. Rõ ràng, thời điểm này địa phương rất cần sự hỗ trợ từ nhiều nguồn về đào tạo nhân lực.

Hiện tại Đà Nẵng đang khẩn trương xây dựng Đề án phát triển chip bán dẫn và vi mạch, thành lập Tổ công tác và tư vấn liên ngành, xây dựng các khóa đào tạo, cơ chế thu hút nhân tài, tính phương án chia sẻ dùng chung giữa các đại học, doanh nghiệp khởi nghiệp, về công cụ thiết kế, thiết bị đo kiểm, phòng thí nghiệm giúp tiết kiệm nguồn lực, tối ưu hóa năng lực. 

Nguyễn Hùng -

Lê Quang