• 10193 lượt xem
  • 16:56 13/03/2022
  • Văn hóa

Cuốn sách tôi chọn: “Quân khu Nam Đồng" tái hiện sinh động khu gia binh giữa lòng Hà Nội thời chiến tranh và bao cấp

“Quân khu Nam Đồng” của nhà văn Bình Ca do NXB Trẻ ấn hành là một hiện tượng của làng sách ngay từ khi ra đời vào năm 2015. “Quân khu Nam Đồng” tái hiện sinh động một khu gia binh giữa lòng Hà Nội thời chiến tranh và bao cấp qua ký ức kể của những người trong cuộc. Nhà phê bình Văn Giá từng viết “Quân khu Nam Đồng" đã chạm vào một điều gì đó cốt lõi, rất sâu trong tâm can mình.

Đọc “Quân khu Nam Đồng", nhiều chỗ thấy cay cay sống mũi. Tác phẩm đã chạm vào cái lõi của đời sống con người”. “Cái lõi của đời sống” mà Nhà phê bình Văn Giá nói tới phải chăng chính là sự chân thực, là thứ văn chương không tô vẽ, là hơi thở cuộc sống, là niềm vui, trò nghịch ngợm và niềm xúc động có thực mà đời người các nhân vật từng trải qua. Tuy nhiên, đằng sau cái sinh động và ồn ào rất đời ấy là cái ưu tư giấu kín và niềm tự hào lấp lánh. Hài hước, bình dị và phóng khoáng, “ Quân khu Nam Đồng” là Bình Ca của lần đầu tiên viết văn, thô ráp nhưng có sức hấp dẫn riêng biệt, và chính sức hấp dẫn  này đã tạo nên một Bình Ca của những sáng tác sau này. Hãy tới với “ Quân khu Nam Đồng” qua phần chia sẻ của nhà báo Đỗ Thu Hà:

Nhà báo Đỗ Thu Hà: Về sự thành công của Quân khu Nam Đồng thì có rất nhiều người lý giải ở các góc độ khác nhau nhưng ở góc độ của một nhà báo một người chuyên review sách thì tôi thấy như thế này, “Quân khu Nam Đồng” được xuất bản kịp thời vào thời điểm mà tất cả mọi sự chú ý về mặt tinh thần đều hướng đến quá khứ, mọi người cố gắng phân tích từ quá khứ, làm sao chúng ta có được cái cuộc sống ngày hôm nay và tìm ra những cái tốt đẹp nhất nhưng đồng thời cũng bi kịch nhất. Rất hiếm có những quyển sách làm được như “Quân khu Nam Đồng”, tức là đi vào những cái rung động trong quá khứ một cách nhẹ nhàng, tác giả đi vào cái thế giới của trẻ con những cô bé, cậu bé mới lớn trong quá khứ, trong thời chiến tranh mà trong cái thế giới của họ thì chiến tranh thể hiện bằng hình thức rất là ẩn ý, đó là sự thiếu vắng của những người cha trong gia đình. Những đứa con lớn lên học hành, sống, yêu đương, hạnh phúc và bất hạnh. Không có hình bóng của người bố trong gia đình, chỉ có mẹ và những cô cậu mới lớn rất là độc lập, vụng về, rất là nồng nhiệt nhưng cũng rất là dại dột. Tôi nghĩ rằng có nghìn cách, triệu cách để lên án chiến tranh, nhưng cái cách mà tác giả nói, đầu tiên thì mọi người nghĩ rằng đây là cái cách khôn ngoan và né tránh nhưng mà càng về sau qua cái cách nó được tái bản tới 18 lần thì phải nói thật đây là một cách khôn khéo, nhẹ nhàng và rất là hiện đại để tiếp cận độc giả

Quân khu Nam Đồng là một cuốn sách của tác giả không chuyên nhưng mọi người thường thích săn đuổi những cái bản thảo sách như thế này ở Việt Nam bởi vì nó cực kỳ tươi mới.  Khi mà chúng tôi tiếp cận với bản thảo thì quả thật tôi rất là sung sướng vì mình đã được khám phá một cái thế giới hoàn toàn trong trẻo của người viết lần đầu và thực sự là tôi không ngạc nhiên vì “Quân khu Nam Đồng” thu được những thành công rất lớn trong những lần đầu ra mắt, tức là trong khoảng 1 năm tái bản 4 lần. Tôi không ngạc nhiên nhưng mà để trở thành long seller( phân biệt với best seller) là sách xuất bản  năm này qua năm kia ở Việt Nam thì chỉ có những quyển sách dạng kinh điển thế giới, sách của Nhà nước tài trợ và sách tuyên truyền, những tác giả viết cho thiếu nhi được đưa vào nhà trường có thể trở thành long seller, 7 năm với 18 lần xuất bản thì “Quân khu Nam Đồng” đã lập một kỷ lục về lượng sách in và số lần tái bản, sách in thì có thể Nguyễn Nhật Ánh hơn nhà văn Bình Ca rất nhiều nhưng Nguyễn Nhật Ánh là một nhà văn chuyên nghiệp và ông chỉ viết truyện cho thiếu nhi

“Quân khu Nam Đồng” nếu nói là một tác phẩm văn học kiệt xuất thì nó chưa đạt đến nhưng mà nói một cách công bằng, khách quan thì độ lan tỏa xã hội là rất  lớn và đóng góp lớn nhất của nó cho các phong trào đọc và tự viết. Đó là sau “Quân khu Nam Đồng” thì rất nhiều người tự tin đưa quá khứ của mình, đưa cái thời tuổi trẻ của mình, không phải một người mà trong những nhóm nhỏ, những cộng đồng đã mạnh dạn xuất bản, giống hồi ký của lớp chuyên văn, trại trẻ Nguyễn Bá Ngọc, hoặc là hồi ký của những vị tướng đi qua chiến tranh như là anh hùng Phạm Phú Thái, anh hùng Nguyễn Đức Soát ..và rất nhiều vị tướng khác, thì tôi thấy đấy là phải đóng góp rất lớn của cuốn sách này,cuốn vừa là tiểu thuyết vừa là hồi ký này         

Bích Nhung