Cụm tin quốc tế tối 25/7: Ukraine tuyên bố giải phóng khu vực Kherson trước tháng 9

Ukraine tuyên bố giải phóng khu vực Kherson trước tháng 9; Mong manh thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine; Nga tìm kiếm sự ủng hộ ở Châu Phi; Bệnh đậu mùa khỉ tiếp tục lây lan; Pháp cấm cửa hàng để hở cửa khi bật điều hoà; Cục dự trữ liên bang mỹ FED có thể tiếp tục tăng lãi suất; Đặc sản sữa ngựa tại Kyrgyzstan... là những tin tức quốc tế nổi bật tối 25/7.

UKRAINE TUYÊN BỐ GIẢI PHÓNG KHU VỰC KHERSON TRƯỚC THÁNG 9

Ukraine tuyên bố sẽ giải phóng Kherson, khu vực chiến lược phía Nam nước này, trước tháng 9 năm nay với sự hỗ trợ của vũ khí từ phương Tây. Kherson là thành phố lớn đầu tiên quân đội Nga nắm quyền kiểm soát khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. 

Báo The Guardian dẫn nội dung trả lời phỏng vấn truyền hình Ukraine của ông Serhiy Khan, trợ lý lãnh đạo vùng Kherson, cho biết, đã chứng kiến bước ngoặt trên chiến trường. Theo đó, lực lượng Ukraine đang chuyển từ thế phòng thủ sang phản công. Bài viết dẫn báo cáo do Viện Nghiên cứu chiến tranh, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, Mỹ cho biết, các cuộc tấn công của Ukraine đã làm hư hại cả 3 cây cầu do Nga kiểm soát dẫn vào thành phố Kherson trong vòng 1 tuần qua. Kherson là vùng lãnh thổ phía Nam của Ukraine, giáp bán đảo Crimea. Đây cũng là khu vực quan trọng đối với ngành nông nghiệp của Ukraine.

MONG MANH THỎA THUẬN XUẤT KHẨU NGŨ CỐC CỦA UKRAINE  

Bộ Quốc phòng Nga đã thừa nhận tiến hành cuộc không kích vào cảng Odessa của Ukraine ngày 23/7 vừa qua, cho biết chỉ nhằm vào các mục tiêu quân sự. Tuy nhiên, điều đáng nói là hành động này diễn ra chưa đầy 1 ngày sau khi các bên ký kết thỏa thuận nối lại xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Và theo thỏa thuận này, Nga đồng ý không tấn công 3 cảng trên biển Đen, gồm Odessa, Yuzhne và Chornomorsk. 

Ngày 22/7, đại diện Nga và Ukraine đặt bút ký thỏa thuận mang tính bước ngoặt với Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đảm bảo hành lang an toàn cho tàu hàng chở ngũ cốc đi qua Biển Đen đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Chưa đầy 12 tiếng sau đó, Ukraine công bố video ghi lại hình ảnh một con tàu bốc cháy dữ dội, kèm theo thông tin, tên lửa hành trình Kalibr của Nga đã tấn công cảng Odessa, đầu mối xuất khẩu lương thực quan trọng nhất của Ukraine.

Bà NATALIIA HUMENIUK, người phát ngôn Bộ Chỉ huy chiến dịch phía Nam Ukraine: “Không có thiệt hại nào đáng kể đối với cơ sở hạ tầng của cảng. Trạm bơm đã bị đánh trúng và bốc cháy, ngọn lửa sau đó đã được dập tắt. Đây là những tên lửa khá đắt tiền, được cho là có độ chính xác cao, vì vậy chúng được bắn một cách có chủ đích.”

Ông HULUSI AKAR, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ: “Trong các cuộc tiếp xúc với Nga, phía Nga nói với chúng tôi rằng họ hoàn toàn không liên quan gì đến vụ tấn công này. Họ đang xem xét vấn đề rất chặt chẽ và chi tiết. Vụ việc xảy ra ngay sau thỏa thuận đạt được liên quan đến vận chuyển ngũ cốc thực sự khiến chúng tôi lo lắng.”

Tuy nhiên, gần 24 tiếng sau, Moskva thừa nhận đã tiến hành vụ tập kích. Theo Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, tên lửa hành trình được phóng từ chiến hạm trên biển Đen "phá hủy một tàu chiến Ukraine và kho chứa tên lửa chống hạm Harpoon do Mỹ viện trợ" tại cảng Odessa của Ukraine. Giới chức Nga lập luận mục tiêu là "hạ tầng quân sự" trong cảng Odessa và không nằm trong phạm vi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc vừa ký với Ukraine.

Diễn biến mới nhất này cho thấy Nga đang nắm đằng chuôi trong thỏa thuận vừa đạt được. Trong khi đó, Moskva vẫn hưởng lợi từ thỏa thuận, do Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đã cam kết không áp lệnh trừng phạt lên các sản phẩm nông nghiệp của Nga nhằm thúc đẩy đàm phán dỡ phong tỏa Biển Đen. 

Ông AYDIN SEZER, chuyên gia Chính sách đối ngoại: “Thỏa thuận này rất quan trọng về mặt chính trị. Nó cho thấy Mỹ, phương Tây, Liên hợp quốc và cuối cùng là Ukraine đã công nhận Nga, theo một cách nào đó. Tầm quan trọng của thỏa thuận này đối với Nga quan trọng hơn với Ukraine.”

Nga còn được đảm bảo quyền giám sát tàu thuyền ra vào vùng biển, khi thỏa thuận ngũ cốc quy định các tàu hàng không được chở vũ khí, đạn dược đến Ukraine.

Ngoại trưởng Nga SERGEI LAVROV: “Các tàu thuyền đến lấy ngũ cốc từ cảng của Ukraine sẽ được kiểm tra để đảm bảo rằng họ không mang theo bất kỳ vũ khí nào, điều có thể gây bất lợi cho cuộc xung đột đang tiếp diễn.”

Còn đối với Ukraine, vụ tập kích có thể trì hoãn tiến độ nối lại xuất khẩu ngũ cốc từ Odessa, khiến chính quyền nước này phải tiếp tục tìm cách giải bài toán giải phóng hơn 20 triệu tấn ngũ cốc đang mắc kẹt, khi vụ thu hoạch mới đang đến gần. 

NGA TÌM KIẾM SỰ ỦNG HỘ Ở CHÂU PHI

Chỉ một ngày sau vụ tập kích vào cảng Odessa, Ukraine, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tới Ai Cập. Đây là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du 5 ngày tới các nước châu Phi của Ngoại trưởng Nga, nhằm thảo luận về một loạt vấn đề quốc tế và khu vực, cũng như triển vọng hợp tác song phương. Trấn an các khách hàng mua lương thực của Nga cũng được cho là ưu tiên hàng đầu trong chuyến công du. 

Ai Cập là một trong những nhà nhập khẩu lúa mì hàng đầu thế giới. Năm ngoái, 80% lượng lúa mì của nước này được mua từ Nga và Ukraine.

Gặp gỡ người đồng cấp Ai Cập Sameh Shoukry, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Nga cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trong các hợp đồng xuất khẩu ngũ cốc sang Ai Cập. 

Ngoại trưởng Nga SERGEI LAVROV: “Những biện pháp trừng phạt đã cản trở hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Nga. Nhưng bất kể điều gì xảy ra, chúng tôi hiểu rõ rằng mình cần phải làm gì để đảm bảo thực hiện các hợp đồng giữa Liên bang Nga và các đối tác tại Ai Cập.”

Tại Cairo, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có bài phát biểu trước Hội đồng Liên đoàn Arab, xác nhận rằng Moskva và các quốc gia Arab đang lên kế hoạch tổ chức diễn đàn hợp tác Nga - Arab lần thứ 6 sớm nhất có thể. Ngoại trưởng Nga cũng khẳng định quyết tâm của Moskva trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác và hợp tác thương mại với Liên đoàn Arab, đánh giá cao “lập trường công bằng và có trách nhiệm” của các quốc gia thành viên liên đoàn liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.

Theo kế hoạch, sau khi rời Ai Cập, ông Sergei Lavrov sẽ tới Ethiopia, Uganda và Cộng hòa Congo. 

BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ TIẾP TỤC LÂY LAN

Bệnh đậu mùa khỉ được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu vào ngày 23/7 vừa qua, khi số ca mắc gia tăng nhanh chóng tại nhều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hiện nay, các ca mắc mới căn bệnh này tiếp tục được ghi nhận tại nhiều quốc gia, trong đó có các nước ở Châu Á, vốn là khu vực có mối đe dọa chỉ ở mức “vừa phải”. 

Hôm qua, thủ đô New Delhi, Ấn Độ đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên, nâng tổng số ca mắc tại Ấn Độ lên 4 ca. Ba trường hợp còn lại được phát hiện tại bang Kerala, miền Nam nước này. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ ANISH T.S, Chuyên gia y tế: “Căn bệnh này có thể đang ảnh hưởng đến cộng đồng theo mô hình từng bước. Ba trường hợp trước đây đều từng đến các quốc gia vùng Vịnh. Vì vậy, đầu tiên, chúng ta có thể xác định các trường hợp nhiễm bệnh trong số những người nước ngoài đến Ấn Độ. Trong giai đoạn thứ hai, đôi khi sẽ có sự lây truyền giữa những người này. Chúng ta có thể hạn chế sự lây lan nếu xác định đúng đối tượng bằng phương thức truy vết.”

Hôm nay, chính phủ Nhật Bản đã ban bố cảnh báo cấp 1 đối với căn bệnh này, mức đầu tiên trong thang cảnh báo 4 cấp của Nhật Bản. Trong khi đó, Bộ Y tế Singapore cùng ngày đã xác nhận thêm 2 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. 

Đến nay, đã có hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận tại hơn 75 quốc gia trên toàn thế giới, trong có đó 5 ca tử vong. Các quốc gia ghi nhận trên 1.000 ca bệnh bao gồm Pháp, Anh, Đức, Mỹ và Tây Ban Nha, trong đó Tây Ban Nha ghi nhận số ca nhiễm nhiều nhất, với trên 3.100 ca. 

PHÁP CẤM CỬA HÀNG ĐỂ HỞ CỬA KHI BẬT ĐIỀU HOÀ 

Nắng nóng bất thường hoành hành tại Châu Âu đang làm gia tăng nhu cầu sử dụng điều hòa không khí. Để đảm bảo sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm điện, Pháp đưa ra quy định cấm các cửa hàng để hở cửa khi bật điều hòa. Đối tượng vi phạm có thể bị phạt tới 750 euro (gần 18 triệu đồng).

France 24 trích dẫn nhận định của Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher cho rằng để cửa mở khi bật điều hòa nhiệt độ sẽ làm “tăng thêm 20% lượng điện tiêu thụ”. 

Pháp cũng dự kiến ban hành quy định cấm các biển quảng cáo phát sáng, đối với các thành phố ở mọi quy mô, trong khoảng thời gian từ 1h00 đến 6h00 sáng, ngoại trừ tại các sân bay và nhà ga. Mức phạt tối đa khi vi phạm lệnh cấm lên tới 1.500 euro (gần 36 triệu đồng). Trước đó, trong bài phát biểu trên truyền hình nhân ngày quốc khánh Pháp 14/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi các doanh nghiệp, cơ quan chính phủ và hộ gia đình tiết kiệm năng lượng hơn nữa, trong bối cảnh Nga có thể dừng cung cấp khí đốt và xung đột tại Ukraine kéo dài. 

CỤC DỰ TRỮ LIÊN BANG MỸ FED CÓ THỂ TIẾP TỤC TĂNG LÃI SUẤT

Theo kế hoạch, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiến hành cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, bắt đầu từ ngày 27/7 tới. Theo các chuyên gia, nhiều khả năng Fed sẽ tiếp tục đưa ra quyết định tăng lãi suất, bất chấp rủi ro suy thoái.  

Dự đoán, trong kỳ họp lần này, Fed có thể tăng mạnh lãi suất với mức tăng 0,75 điểm %, tương tự như đợt tăng lãi suất hồi tháng 6 vừa qua, nhằm giảm nhu cầu và sức ép lạm phát. Tháng trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, Ủy ban thị trưởng mở liên bang - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - sẽ cân nhắc mức tăng 0,5 điểm % hoặc 0,75 điểm % trong cuộc họp diễn ra vào tháng 7 này, trong khi hầu hết các nhà kinh tế học kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất với mức điều chỉnh tương đương như mức của hồi tháng 6.

ĐẶC SẢN SỮA NGỰA TẠI KYRGYZSTAN

Đất nước Kyrgyzstan nằm ở vùng Trung Á, không chỉ là địa điểm hấp dẫn đối với những người leo núi, mà còn đang thu hút thêm khách du lịch bằng việc quảng bá một loại sữa ngựa lên men mang tên Kumis. Người dân địa phương cho biết, du khách có thể tăng cường hệ thống miễn dịch bằng việc uống và tắm trong loại sữa này.

Kumis là loại sữa phổ biến nhất trong văn hóa của người Kyrgyzstan. Ngoài loại sữa chua này, du khách còn được thưởng thức 1 loại sữa tươi tên là Saamal, đồng thời có thể lựa chọn chỗ ở tại những căn phòng tiện nghi theo phong cách phương Tây, hoặc trong những chiếc lều du mục trên núi để có thể trải nghiệm đầy đủ lối sống truyền thống của xứ này.

Ông IBRAHIM AL-SHARIF, khách du lịch Ả Rập: "Chúng tôi rất thích 2 loại sữa này. Chúng rất ngon và tốt cho sức khỏe. Đất nước Ả-rập Xê-út của chúng tôi không có loại sữa nào có thể so sánh được với những loại sữa ở đây.”

Ông DUISHONBU CHONOTAYEV, người dân bán sữa Kumis: "Chúng tôi đã bán được 200 lít sữa chua trong vòng 3 ngày. Đây là một trong những đặc sản ngon nhất của Kyrgyzstan. Chúng không hề có tác dụng phụ, chỉ có những người bị cao huyết áp mới không nên uống."

Một chai sữa 2 lít có giá khoảng 3 euros (70 ngàn đồng), một cốc sữa nửa lít có giá khoảng 80 cents và một nửa cốc sữa thì chỉ có giá khoảng 40 cents. Loại sữa truyền thống này đã thu hút rất nhiều du khách đến từ các quốc gia vùng Vịnh, Châu Âu và Nga.

Kim Ngọc