Cụm tin: Chống biến đổi khí hậu bằng rừng ngập mặn

Dù diện tích rừng ngập mặn chỉ chiếm 1% tổng diện tích rừng của nước ta nhưng giữ một vai trò quan trọng trong giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ sinh kế của người dân. Đặc biệt, rừng ngập mặn có khả năng hấp thụ lượng carbon cao gấp 4 lần so với rừng trên đất liền.

Nhưng những tác động tiêu cực của tự nhiên và của con người đang khiến rừng ngập mặn suy giảm nghiêm trọng. 

Các nghiên cứu đều cho thấy rừng ngập mặn vượt trội hơn so với hầu hết các khu rừng khác về khả năng lưu giữ carbon, giúp chống lại sự nóng lên toàn cầu bằng cách loại bỏ khí carbon khỏi tầng khí quyển, phần lớn được lưu trữ trong sinh khối.

Rừng ngập mặn cũng giúp tiết kiệm chi phí gấp 5 lần so với cơ sở hạ tầng nhân tạo trong việc bảo vệ các cộng đồng ven biển khỏi sóng thần và nước dâng do bão, vì chúng giảm độ cao của sóng lên đến 60% và giảm độ sâu lũ sóng thần xuống 30%.

DIỆN TÍCH RỪNG NGẬP MẶN ĐANG BỊ THU HẸP NGHIÊM TRỌNG 

Tổng diện tích rừng ngập mặn ở nước ta hiện nay khoảng 200.000 ha. Với diện tích này, Việt Nam đứng tốp đầu trong các quốc gia có diện tích rừng ngập mặn trên thế giới. Nhưng rừng ngập mặn ở nước ta đang có nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng do thu hẹp về diện tích, vì những tác động của tự nhiên, con người và tình trạng ô nhiễm môi trường gây ra. 

Mấy năm trước, 5,42 ha rừng ngập mặn này vẫn còn đang xanh tốt, được ví như "lá phổi xanh khổng lồ" giữa 2 khu công nghiệp rộng lớn bậc nhất TP Hải Phòng là Khu công nghiệp Nam Đình Vũ và Khu Công nghiệp Deep C. Nhưng nay đã thành khu rừng chết. 

Còn tại thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh, hơn 25ha rừng phòng hộ ngập mặn chắn sóng cũng bị chết khô hàng loạt. Trên bờ đê, cành khô chất đống, trải dài hàng trăm mét.

Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất, chiếm hơn 50% diện tích rừng ngập mặn cả nước. Nhưng, diện tích rừng ngập mặn ở khu vực này đã suy giảm hơn một nửa trong 50 năm qua.

Theo Ban Quản lý các Dự án Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), diện tích rừng ngập mặn đã giảm gần một phần ba, từ hơn 408.000ha năm 1943, nay xuống chỉ còn hơn 270.000ha (bao gồm diện tích chưa thành rừng).

TRỒNG RỪNG NGẬP MẶN Ở KIM SƠN: CÒN KHÓ KHĂN 

Việc bảo vệ, phục hồi và trồng mới rừng ngập mặn là giải pháp hữu hiệu để chúng ta giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai. Nhưng với diễn biến ngày càng cực đoan của thời tiết, việc phát triển rừng ngập mặn cũng gặp nhiều khó khăn. 

Cồn Nổi, Kim Sơn được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới và là một trong 8 khu bảo tồn đa dạng sinh học quan trọng nhất vùng châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng nơi đây cũng thường xuyên chịu ảnh hưởng tiêu cực của điều kiện khí hậu cực đoan. Bởi vậy, trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ, phục hồi và trồng mới rừng ngập mặn. Qua nhiều năm thực hiện dự án trồng rừng ngập mặn ở vùng bãi bồi ven biển, diện tích rừng ngập mặn đã đạt độ che phủ 2,92%, trở thành một ”bức tường xanh” vững chắc bảo vệ các tuyến đê biển và giảm thiểu đáng kể những thiệt hại thiên tai gây ra.

Hàng năm vùng biển Kim Sơn phải chịu từ 3 - 5 cơn bão, rồi nước mặn vào những tháng cuối năm, trời rét đậm.. ảnh hưởng đến việc phát triển rừng. Bên cạnh đó, một số ít hộ dân còn chưa có ý thức trong bảo vệ rừng.

PHÁT TRIỂN RỪNG NGẬP MẶN THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU 

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Sự suy thoái rừng ngập mặn sẽ gây nên thiệt hại rất lớn về kinh tế, xã hội và môi trường. Do vậy, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về những giá trị của rừng ngập mặn, chúng ta cần phải ưu tiên nguồn lực, tăng cường hợp tác quốc tế và có chính sách xã hội hóa để hỗ trợ cho công tác bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn. 

Đây cũng là khó khăn chung ở nhiều địa phương có rừng ngập mặn, làm cho kết quả trồng mới và trồng phục hồi rừng ở nhiều nơi đạt thấp. Đặc biệt, ở một số nơi rừng mới trồng bị chết hàng loạt, khó thành rừng nhưng chưa tìm ra nguyên nhân.

Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Đình Tiến - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia về vấn đề bảo vệ, phục hồi và tái sinh rừng ngập mặn.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!  

 

Kim Thoa