Tiêu điểm: Gia hạn nộp thuế cho doanh nghiệp: Làm sao để chính sách không nằm trên giấy?

Theo số liệu mới nhất, 4 tháng đầu năm nay, 2 trụ cột quan trọng của tăng trưởng kinh tế là sản xuất và đầu tư đều ghi nhận sự suy giảm đáng kể. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Và chân kiềng quan trọng khác là đầu tư, thì cả nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài (FDI) và đầu tư từ khối doanh nghiệp tư nhân trong nước đều có sự sụt giảm mạnh.

Trước lời kêu cứu từ cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ đã nhanh chóng đưa ra một loạt chính sách được xem như những chiếc “phao cứu sinh” để hỗ trợ doanh nghiệp. Về nhóm chính sách tài khoá, Nghị định 12 vừa được ban hành để gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023, tiếp nối chính sách giảm 30% tiền thuê đất được ban hành trước đó. Cuối tuần trước, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính sẽ trình Quốc hội phê duyệt việc tiếp tục giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% nhằm kích cầu tiêu dùng. 

Rút kinh nghiệm từ các chính sách trước đây, thủ tục giãn thuế, tiền thuê đất lần này được đánh giá là đã tương đối đơn giản để các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận được.

Và mới đây nhất, về nhóm chính sách tiền tệ, mối quan tâm trong tuần qua là việc Ngân hàng Nhà nước đồng thời ban hành 2 thông tư quan trọng. Đó là thông tư 02 cho phép các ngân hàng giãn thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng khó khăn. Ngay sau đó là Thông tư số 03 cho phép các ngân hàng được mua lại trái phiếu doanh nghiệp để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục hạ lãi suất điều hành để kéo giảm mặt bằng lãi suất vay cho Doanh nghiệp. 

Hiện nhiều ngân hàng thương mại đã ngay lập tức ban hành các hướng dẫn về gia hạn nợ triển khai trong toàn hệ thống.

Diệu Huyền – Thuỳ Trang – Trương Tùng – Thế Anh