Luật Khám bệnh, chữa bệnh: Cử tri Bình Dương đề xuất luật điều chỉnh theo hướng chăm sóc bình đẳng sức khoẻ người dân

Những quy định tại dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) liên quan đến: xã hội hoá, liên doanh liên kết giữa các cơ sở khám chữa bệnh công lập với các tổ chức cá nhân ngoài xã hội; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; mô hình bác sỹ gia đình… nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri. Ghi nhận tại tỉnh Bình Dương.

Bác sỹ VÕ NHẬT KHƯƠNG - Phó Giám đốc Trung tâm y tế TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương: “Dự thảo này ra chưa giải quyết được vấn đề dàn trải, bố trí bác sỹ về các điểm y tế cơ sở để phục vụ người dân từ thời điểm ban đầu, thì nó sẽ dẫn tới thực trạng là nơi nào kinh tế phát triển thì y tế điều trị phát triển. Tôi đề xuất chúng ta nên hướng luật này theo cách điều chỉnh nền y tế vận hành theo hướng chăm sóc bình đẳng sức khỏe của người dân từ miền núi, hải đảo, vùng sâu vùng xa cho đến vùng thành thị”.

Bác sỹ HỒ THỊ NHUNG - Tỉnh Bình Dương: “Chương 3, mục 1, điều 18 thì đã bỏ đi chức danh y sỹ, có nghĩa là không cấp chứng chỉ hành nghề cho người ta nữa thì tôi nghĩ luật mình nên coi để sửa đổi lại”.

Bác sỹ TRƯƠNG THỊ TRINH - Trung tâm y tế thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương: “Tôi đang làm khoa Sản thì thấy rằng nhiều phòng khám chuyên sâu có mức lương khá cao so với mức lương Nhà nước hiện tại đang trả. Sự chênh lệch đó làm cho đồng nghiệp mình có xu hướng nghỉ việc ở đây để đi ra ngoài nhiều vì lý do lương bổng. Đề xuất Quốc hội là có mức lương cao hơn để tạo điều kiện cho anh em yên tâm làm việc”.
 

Hữu Ái