Cử tri với Luật Đất đai 2023: 6.400 hộ dân Mê Linh 20 năm kiến nghị được bồi thường đất thỏa đáng

Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua tại Kỳ họp bất thường thứ 5 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế xã hội. Từ hôm nay, Truyền hình Quốc hội Việt Nam sẽ bắt đầu vệt phóng sự "Cử tri với Luật Đất đai 2023" trong các bản tin Thời sự.

Từ các thắc mắc, băn khoăn cụ thể của cử tri liên quan đến đất đai, Truyền hình Quốc hội Việt Nam sẽ ghi nhận ý kiến của các đại biểu quốc hội, luật sư, chuyên gia bất động sản để giúp người dân hiểu rõ hơn về các thay đổi đột phá của Luật Đất đai 2023 nhằm giúp việc thực thi luật được hiệu quả hơn từ thời điểm có hiệu lực 1/1/2025 tới đây.

Câu chuyện sau đây của hơn 6.400 cử tri huyện Mê Linh, Hà Nội sẽ cho thấy việc bồi thường sau thu hồi đất căn cứ vào Luật Đất đai hiện hành đang gian nan như thế nào. Hơn 20 năm sau khi bị thu hồi đất, dù địa phương đã nỗ lực xoay sở nhưng đến nay, người dân vẫn mòn mỏi chờ đợi được bồi thường thỏa đáng. Tuy nhiên, một tín hiệu vui là việc bồi thường thu hồi đất trong Luật Đất đai 2023 tới đây sẽ có nhiều tiến bộ theo hướng đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người dân bị thu hồi đất. 

Từ năm 2001, khi còn thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Mê Linh đã thu hồi hơn 2.000ha đất nông nghiệp của các hộ dân trên địa bàn để triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Theo quy định khi đó, người dân bị thu hồi đất được bồi thường từ 12-18 triệu đồng/sào ruộng, tương đương 33.000 đến 65.000/m2. Tuy nhiên, do mức bồi thường bằng tiền này quá thấp nên năm 2004, chính quyền địa phương đã phải xin một cơ chế đặc thù để có thể bồi thường cho người dân bằng đất dịch vụ. 

Có điều, sau hơn 20 năm ròng rã, sau khi huyện Mê Linh sáp nhập về Hà Nội, đến nay, hơn 6.400 hộ dân bị thu hồi đất vẫn mòn mỏi chờ được bồi thường bằng đất dịch vụ.

Theo Luật Đất đai 2013, người dân có đất bị thu hồi chỉ được bồi thường bằng tiền hoặc loại đất có cùng mục đích. Đó là lý do quan trọng khiến tiến trình bồi thường cho người dân bằng đất dịch vụ ròng rã và gian nan đến thế. Mới đây, Hà Nội mới chấp nhận chủ trương bồi thường theo hướng này.

Tuy nhiên, hành trình ròng rã xin cơ chế bồi thường như trường hợp này sẽ không còn khi Luật Đất đai 2023 có hiệu lực. Một điểm thay đổi tiến bộ của luật mới là cho phép đa dạng hóa hình thức bồi thường. Theo đó, các chủ thể bị thu hồi đất có thể được bồi thường bằng tiền, đất ở hoặc đất khác. 

Quy định đa dạng hoá hình thức bồi thường đất trong Luật Đất đai 2023 được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất, đảm bảo tốt hơn quyền lợi chính đáng của người dân.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Hằng Nga -

Ninh Tùng