COP15 hướng tới mục tiêu thúc đẩy tài chính bảo tồn đa dạng sinh học

Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về đa dạng sinh học lần thứ 15 (gọi tắt là COP15) đang diễn ra tại Montreal, Canada. Hội nghị kéo dài 2 tuần với sự tham gia của hơn 10.000 đại biểu đến từ 196 quốc gia. Mục tiêu chính của hội nghị là đưa ra thỏa thuận cuối cùng, được gọi là khung đa dạng sinh học sau năm 2020, dự kiến vào ngày kết thúc hội nghị ngày 19/12.

Tờ The Guardian, các thỏa thuận có thể thay đổi trong những giờ đàm phán cuối cùng. Văn bản cuối cùng sẽ không ràng buộc về mặt pháp lý mặc dù mục tiêu của công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học sẽ có ý nghĩa quan trọng. Bài viết cũng điểm lại những mục tiêu chính của thỏa thuận đa dạng sinh học COP15. Đầu tiên phải kể đến đề xuất bảo tồn ít nhất 30% diện tích đất và đại dương của trái đất vào cuối thập kỷ này. Mục tiêu giảm ít nhất 2/3 lượng thuốc trừ sâu đang được sử dụng cũng đang được đặt ra tại hội nghị. Một số điều khoản về bảo vệ 1 triệu loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng do hành vi của con người.

Mục tiêu về tài chính bảo tồn đa dạng sinh học cũng đang là chủ đề được bàn luận sôi nổi tại COP15 khi hàng năm, thế giới chi khoảng 1,8 nghìn tỷ đô la cho các khoản trợ cấp thúc đẩy sự hủy diệt của động vật hoang dã và sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Nhưng nhiều quốc gia muốn đưa vào mục tiêu giảm hoặc tái sử dụng ít nhất 500 tỷ đô la mỗi năm vào năm 2025. Một số quốc gia khác lại phản đối mục tiêu này bởi vì, họ lập luận, trợ cấp thường khó xác định.

Tờ CityNews của Canada có bài viết nhan đề "Các nước phát triển kêu gọi hỗ trợ tài chính có ý nghĩa tại COP15" trong đó đưa ra một bình luận sâu sắc rằng các khoản tài trợ - được gọi theo cách nói của COP15 là "huy động các nguồn lực" - được coi là chìa khóa thành công của hội nghị. Với lý do rất đơn giản, phần lớn đa dạng sinh học còn sót lại nằm ở các quốc gia đang phát triển ở phía nam bán cầu, trong khi phần lớn tiền - mà phần lớn trong số đó được tạo ra từ sự đánh đổi của đa dạng sinh học - nằm ở các quốc gia giàu có ở phía Bắc.

Tờ South China Morning Post cho rằng, trong khi các quốc gia còn đang bàn luận và chưa đưa ra được thống nhất về đa dạng sinh học thì hạn hán ở Kenya đã giết chết hơn 200 con voi, gần 400 con ngựa vằn và hơn 500 con linh dương đầu bò cùng một số loài khác trong 9 tháng qua. Làm thế nào để bảo vệ tốt hơn các hệ sinh thái dễ bị tổn thương khỏi khí hậu ấm lên, bao gồm cả đồng cỏ thảo nguyên của Kenya, sẽ là một phần của các cuộc thảo luận tại COP15. Các chính phủ đang làm việc để đưa ra một khuôn khổ về cách thế giới nên bảo vệ thiên nhiên và đặt mục tiêu cho thập kỷ tới.