COP 26: Hydro xanh - Tất yếu nhưng còn khó khăn

Trong những năm qua, Việt Nam đang triển khai những bước đầu của việc chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo xanh, sạch hơn, đẩy mạnh phát triển nguồn điện gió, điện mặt trời, các dự án điện năng lượng tái tạo cấp điện trực tiếp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp và dân sinh.

Hydro là một trong những nguồn nhiên liệu thay thế sạch nhất khi được sản xuất ra từ năng lượng gió và mặt trời, góp phần giảm khí thải cacbon.

Việc phát triển năng lượng hydro đã được Bộ Chính trị và Chính phủ chỉ đạo tại Nghị quyết số 55 ngày 11/02/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cụ thể là thực hiện nghiên cứu công nghệ, xây dựng một số đề án thử nghiệm sản xuất và khuyến khích sử dụng năng lượng hydro phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Hiện nay có 2 vùng tiềm năng nhất sản xuất hydro xanh là vùng duyên hải Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nam Bộ.Tại tỉnh Bến Tre, dự án Nhà máy sản xuất hydro xanh đầu tiên tại Việt Nam do Công ty TNHH TGS Green Hydrogen làm chủ đầu tư, được xây dựng tại xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, dự kiến chạy thử vào quý I/2024. Tuy nhiên do còn nhiều vướng mắt trong quá trình thực hiện các thủ tục quản lý thực hiện nên đến nay vẫn chưa thể triển khai. Theo Công ty TNHH TGS Green Hydrogen, nhà máy sử dụng công nghệ sản xuất hydro của Đức, được xây dựng gần biển để tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như đời sống của người dân. Diện tích dự kiến là 22,7 ha, tổng vốn đầu tư 19.500 tỷ đồng. Giai đoạn 1, sản xuất 24.000 tấn hydro/năm; 150.000 tấn ammonia/năm; 195.000 tấn khí oxy/năm.

Với nhận định rằng trong tương lai gần, công nghệ hydro xanh sẽ trở thành năng lượng thay thế, thì sự chuẩn bị ngay từ bây giờ của Việt Nam là cần thiết. Theo lộ trình phát triển dự kiến, đến năm 2030, Việt Nam sẽ phát triển các dự án hydro quy mô nhỏ với sản lượng đạt khoảng 20 – 25 ngàn tấn. Tuy nhiên, trên thực tế, việc sản xuất hydro xanh còn gặp nhiều khó khăn.

 Các chuyên gia trong và ngoài nước đều nhìn nhận, hiện nay còn nhiều vướng mắc trong sản xuất hydro xanh tại Việt Nam như để phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo để sản xuất hydro xanh phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực; nhu cầu hydro xanh các giai đoạn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đặc biệt, giá thành sản xuất hydro xanh còn cao, khó cạnh tranh trên thị trường, thiếu cơ sở hạ tầng chuyên dụng, Tổn thất năng lượng lớn và còn chưa được công nhận giá trị.

Trong khi đó, sự quan tâm toàn cầu đối với Hydro xanh đang tăng lên như một trong những giải pháp cho quá trình chuyển đổi năng lượng sang mức phát thải ròng bằng không. Phát triển Hydro xanh tập trung vào việc tạo ra mối liên kết giữa điện tái tạo và các mục đích sử dụng cuối cùng khó điện khí hóa.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, nếu khắc phục được thách thức, sản xuất được hydro xanh, Việt Nam sẽ đứng trước nhiều cơ hội như đã có thị trường sẵn có cho đầu ra của hydro xanh như sản xuất amoniac, thép, phân bón, hóa chất, lọc hóa dầu thay thế cho hydro xám; khử carbon trong lĩnh vực giao thông vận tải, thậm chí có cơ hội xuất khẩu sang các nền kinh tế lớn ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Nguyễn Điền