Công tác nghiên cứu đền bù tái định cư phải quan trọng như báo cáo khả thi

Ngày 10/6, bên lề hành lang Quốc hội, Đại biểu Quốc hội cho ý kiến về 3 dự án cáo tốc phía Nam gồm: Khánh Hòa- Buôn Ma Thuột; Biên Hòa- Vũng Tàu; Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng. ĐBQH cho rằng cần có cách làm đột phá, nhưng cũng cần rút kinh nghiệm của những dự án triển khai trước đó.

Ông DƯƠNG KHẮC MAI, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông: “Về nguyên vật liệu, cùng lúc triển khai nhiều dự án thì chắc chắn là sẽ có thể thiếu, khan hiếu nguồn cung. Từ đó, có thể sẽ dẫn đến tình trạng nguồn lực hạn chế thời gian, rồi lại tăng vốn đội vốn.”

Ông NGUYỄN TRÚC SƠN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: “Chúng ta mới chỉ có nguồn vốn trên kế hoạch, tức là trên giấy, nhưng để giải ngân được nguồn này, chúng ta phải làm các thủ tục về đầu tư xây dựng cơ bản, tuân theo Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu… nếu hồ sơ thủ tục không nhanh, không đồng bộ sẽ cản trở vốn đầu tư công xây dựng các dự án.”

Ông NGUYỄN QUANG HUÂN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương: “Công tác nghiên cứu đền bù tái định cư, môi trường thì phải quan trọng như báo cáo khả thi. Các hợp phần đi song hành với nhau. Khi phê duyệt rồi thì phải tiến hành đền bù ngay. Chúng ta cố gắng đền bù xong thì mới thi công được. Nếu chưa xong thì phải được mức độ căn bản,chứ không như đường mòn Hồ Chí Minh, chúng ta chỉ còn một ít nhưng chậm tiến độ.”

Ông VŨ TIẾN LỘC, Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội: "Dự án Trung Lương Mỹ Thuận là ví dụ điển hình cho đầu tư công sang đối tác công tư. Chúng ta chậm triển khai tới 13 năm, theo kế hoạch chúng ta sẽ phân kỳ thành 2 giai đoạn. Lẽ ra giai đoạn 1 phải xong cách đây 10 năm. Nhưng mấy năm gần đây mới chuyển sang đối tác công tư và thực hiện giai đoạn 1. Nên khi đi vào sử dụng bị chậm, lưu lượng xe đã tăng gấp đôi so với 10 năm trước."

Sỹ Cường