Công nghệ drone: Ứng dụng từ giao hàng đến trồng rừng

Từ Google đến Amazon, những gã khổng lồ công nghệ trên khắp thế giới hiện đang chạy đua để bắt đầu thử nghiệm công nghệ giao hàng bằng máy bay không người lái. Tại quốc gia nghèo đói Rwanda, công nghệ này đã làm thay đổi cuộc đời của một thành niên sống sót sau nạn diệt chủng. Khi công nghệ thay thế những công việc cũ, nó cũng tạo ra những công việc mới và nhiều điều hơn thế nữa.

Đây là Rwanda. Nằm nép mình giữa những đồn điền, những ngôi nhà trong làng và những con đường núi quanh co này chỉ là một mảnh đất có diện tích chưa bằng một sân bóng đá. 

Từ đây, người đàn ông này có thể điều khiển các máy bay không người lái mang máu đến cho các bác sĩ đang chay đua với thời gian để cứu sống bệnh nhân. Anh ấy là người giao hàng của tương lai và anh ấy là một trong những người đầu tiên nhận được công việc này. Hiện giờ, anh ấy đang chờ đợi mọi người bắt kịp mình. Khi công nghệ thay thế những công việc cũ, nó cũng tạo ra những công việc mới. Tôi là Aki Ito và tôi ở đây để nói cho bạn biết về những công việc trong tương lai.

GIAO HÀNG BẰNG MÁY BAY KHÔNG NGƯỜI LÁI 

Tôi là Nizeyimana Abdoul Salam. Tôi là một người vận hành máy bay không người lái. Abdoul làm việc cho một công ty khởi nghiệp có tên Zipline. Zipline có trụ sở chính tại California, Mỹ. Nhưng tại đây, ở phía tây thủ đô Kigali của Rwanda, công ty này đã tung ra một trong những dịch vụ giao hàng bằng máy bay không người lái đầu tiên trên thế giới.

Abdoul và các đồng nghiệp của anh đang giải quyết một vấn đề vô cùng hóc búa tại nơi này. Rwanda là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Phần lớn các khu vực của đất nước được kết nối với nhau bằng những con đường đất quanh co, gập ghềnh trên núi, và thường bị cuốn trôi vào mùa mưa. Điều này khiến các bệnh viện tuyến địa phương gặp khó khăn trong việc mua máu khi có trường hợp khẩn cấp. Khiến các bác sĩ không thể thực hiện các ca mổ cứu người.

Anh ADBOUL SALAM NIZEYIMANA - Người vận hành máy bay không người lái: Bệnh viện phải mua xe để đi lại. Bạn phải lái xe khoảng ba hoặc bốn giờ để đến Kigali, lấy máu và sau đó quay trở lại. Rất là phức tạp. Ý tưởng ở đây là giúp những người dân đang sinh sống ở những khu vực hẻo lánh tiếp cận với hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Khi có một bệnh viện yêu cầu lấy máu, nhóm Zipline sẽ bắt đầu giao hàng. Nếu đó là một ngày bình thường, bạn lấy một gói hàng, bạn chuyển nó lên máy bay, bạn chuẩn bị cho máy bay cất cánh. Nếu mọi thứ đều ổn định và an toàn, bạn sẽ kích hoạt máy bay. Và sau đó, bạn sẽ đợi đơn hàng tiếp theo.

Được trang bị hệ thống GPS cùng nhiều cảm biến, chiếc máy bay không người lái này có thể tự bay tới một trong những bệnh viện được yêu cầu. Sau khi bay đến đúng địa điểm, nó sẽ thả hàng xuống. Nhân viên bệnh viện sẽ tới lấy hàng, sau đó máy bay sẽ trở lại căn cứ. 

Abdoul hiện rất hài lòng với cuộc sống của mình. Anh ấy có một công việc mà anh ấy yêu thích và đang học thêm sau đại học. Tuy nhiên, tất cả thành công ngày hôm nay đều được bồi đắp từ những bi kịch đau lòng trong quá khứ. Khi Abdoul 3 tuổi, chính phủ Rwandan đẩy mạnh cuộc thảm sát kéo dài hàng thập kỷ nhằm người thiểu số Tutsi, ra lệnh cho người Hutu đa số giết tất cả người Tutsi. Chỉ trong một trăm ngày, 800.000 người đã bị tàn sát bởi chính hàng xóm và bạn bè của họ.

Anh ADBOUL SALAM NIZEYIMANA: Khi những người thực hiện cuộc diệt chủng xuất hiện, cha tôi là người đầu tiên dám đứng ra. Ông nghe thấy tiếng nói trong hành lang, mọi người đang nói chuyện. Hỏi những người còn lại trong gia đình đang ở đâu? Sau đó, họ giết ông ấy và tiến vào, họ nhìn thấy chúng tôi trong căn phòng nhỏ này. Sau đó, họ dùng dao tấn công mọi người. 

Mặc dù bị thương ở đầu, nhưng may mắn Abdoul đã sống sót. Nhưng bố mẹ và 2 anh chị em của Abdoul thì không. Abdoul phải đến sống ở một nơi trú ẩn dành cho người vô gia cư. Sau đó, bà nội của Abdoul đã tìm thấy anh ấy và đưa anh ấy về nhà.

Bà AFSA MUKARWEGO, bà của Abdoul: “Tôi phải chăm sóc thằng bé, để nó không phải chịu đựng sự đau khổ khi mất đi cha mẹ, bởi vì cha mẹ thằng bé đều bị sát hại trong cuộc diệt chủng năm đó. Chúng tôi luôn cố gắng quên đi quá khứ và hướng đến tương lai.”

Anh ADBOUL SALAM NIZEYIMANA: Đó là khoảng thời gian rất khó khăn đối với tôi, tôi là một đứa trẻ bướng bỉnh và gây ra nhiều rắc rối cho bà. Có đôi lúc tôi muốn bỏ học. Vì vậy, tôi nghĩ, vài năm học đầu chắc chắn sẽ thực sự rất, rất khó khăn. Sau đó, tôi đã tìm lại được mục đích sống. Tôi nghĩ, mọi việc đều ổn, nếu tôi được học hành đầy đủ, tôi sẽ sử dụng những kiến thức mình học được để phục vụ cộng đồng, và tôi cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống của mình.

Abdoul từng theo học ngành kỹ sư ở trường đại học, cùng lúc đó anh làm thêm việc sữa chữa và bảo trì. Khi công ty Zipline mở trung tâm phân phối đầu tiên ở vùng nông thôn Rwanda, Abdoul đã chớp lấy cơ hội để được tiếp cận và vận hành công nghệ máy bay không người lái tiên tiến.

Tuy nhiên, bà của Abdoul rất buồn khi thấy anh ấy phải chuyển ra khỏi nhà của bà ở Kigali. Và những thành viên khác trong gia đình lo lắng rằng, Abdoul đang bỏ lại những cơ hội tốt hơn ở phía sau.

Anh ADBOUL SALAM NIZEYIMANA: Ở Rwanda nếu bạn ăn mặc đẹp, bạn mặc vest đi làm, và bạn làm việc trong một văn phòng lớn, gia đình bạn sẽ rất hạnh phúc. Họ nghĩ rằng bạn đã thành công. Nếu bạn biết rằng, bạn có thể được trả lương thấp hơn so với những người lao động chân tay hằng ngày, thì họ mới là định nghĩa thực sự về thành công.

Cuối cùng thì mọi người đều ủng hộ công việc của Abdoul.

Bà AFSA MUKARWEGO, bà của Abdoul: Tôi rất vui khi thằng bé làm công việc hiện tại. Tôi nhìn thấy được lợi ích từ công việc này. ví dụ như, chúng tôi chưa từng được sống trong căn nhà này. Vì thế, thằng bé đang phụng dưỡng tôi giống như khi tôi từng chăm sóc cho nó. 

Mùa xuân năm nay, Rwanda tưởng niệm 24 năm xảy ra cuộc diệt chủng. Trong những năm qua, nền kinh tế Rwanda đã tăng trưởng gấp bảy lần. 

Trong những khu chợ đông đúc của thành phố, những đám trẻ cười rúc rích, và nụ cười của những bà mẹ trẻ nơi làng quê, bạn cảm nhận được niềm lạc quan đang lan tỏa khắp mọi nơi.

Bà AFSA MUKARWEGO, bà của Abdoul: Tôi chỉ có một mong ước là thế hệ tiếp theo của đất nước sẽ được sống trong hòa bình. Khi chúng tôi rời đi, tôi hy vọng và tin tưởng rằng chúng sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn.

Từ Google đến Amazon, những gã khổng lồ công nghệ trên khắp thế giới hiện đang chạy đua để bắt đầu thử nghiệm công nghệ giao hàng bằng máy bay không người lái. Thật là thú vị khi Abdoul trở thành người tiên phong trong lĩnh vực này. Nhưng động lực thôi thúc anh ấy làm việc là được sống gần gia đình.

Anh ADBOUL SALAM NIZEYIMANA: Tôi cảm thấy như mình có một cơ hội khác để sống. Vậy tôi muốn sử dụng cơ hội đó để làm gì? Tôi sẽ mua xe hơi. Tôi nên sử dụng cơ hội thứ hai để làm gì? Tôi nghĩ tôi sẽ dùng cơ hội đó để phục vụ cộng đồng và tạo ra ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác là điều có ý nghĩa đối với tôi.

TRỒNG LẠI RỪNG BẰNG MÁY BAY KHÔNG NGƯỜI LÁI

Trong nỗ lực nhằm khôi phục lại những cánh rừng bị mất, một công ty khởi nghiệp về công nghệ sinh học của Australia đã giới thiệu loại máy bay không người lái có thể trồng hàng triệu cây mỗi năm từ trên không.

Ông ANDREW WALKER - Đồng sáng lập, CEO công ty AirSeed Technologies: "AirSeed Technologies là công ty phục hồi môi trường kết hợp những công nghệ tuyệt vời, vì vậy công nghệ máy bay không người lái, phần mềm và phần cứng đều nhằm mục đích mang đến giải pháp trồng trọt siêu năng suất, và chúng tôi cần cân bằng điều đó với một số công nghệ sinh học thực sự sáng tạo, hỗ trợ gieo hạt giống, hỗ trợ quá trình nảy mầm và phát triển ở giai đoạn đầu."

Mục tiêu của công ty AirSeed Technologies là chống lại biến đổi khi hậu, mất đa dạng sinh học bằng cách kết hợp công nghệ bay không người lái, trí tuệ nhân tạo và hạt giống đặc biệt, để có thể trồng cây từ trên không. Mỗi chiếc máy bay không người lái này có thể gieo trồng hơn 40 nghìn hạt giống mỗi ngày. Hạt giống sẽ được chọn phù hợp với địa hình gieo trồng và được sản xuất ngay tại địa phương bằng cách sử dụng sinh khối chất thải, nhằm tạo ra một lớp phủ giàu carbon, giúp bảo vệ hạt khỏi các loài chim, côn trùng và động vật gặm nhấm.

Ông ANDREW WALKER - Đồng sáng lập, CEO công ty AirSeed Technologies: "Mỗi máy bay không người lái của chúng tôi có thể gieo trồng hơn 40.000 hạt mỗi ngày và chúng bay tự động. So với các phương pháp truyền thống, tốc độ này nhanh hơn 25 lần nhưng lại rẻ hơn 80%. Vì vậy, dự án này sẽ giúp giảm thiểu phát thải carbon, ngăn chặn mất đa dạng sinh học, và giảm lượng khí thải mà chúng ta đã gây ra trong suốt 30 40 năm qua.”

Máy bay không người lái sẽ bay theo tuyến đường được lập trình trước, gieo hạt và ghi lại tọa độ của từng hạt. Điều này cho phép khảo sát tuyến đường sau đó để đánh giá sức khỏe của cây cối. Tới nay, dự án này đã trồng được hơn 50.000 cây ở Nam Phi và Australia. Mục tiêu là trồng 100 triệu cây vào năm 2024.

Ông ANDREW WALKER - Đồng sáng lập, CEO công ty AirSeed Technologies: "Công nghệ của chúng tôi là có thể gieo hàng nghìn hạt giống xuống đất mỗi giờ. Vì vậy, nó thực sự cho phép bạn thực hiện các dự án trồng cây quy mô lớn, nhưng tiềm năng thực sự nằm ở công nghệ sinh học của chúng tôi, đó là hệ thống bảo vệ và hỗ trợ hạt giống khi nó được gieo trồng trên mặt đất. Nó giúp bảo vệ hạt giống khỏi các loại yếu tố gây hại khác nhau của sự xâm nhập của động vật hoang dã, nhưng cũng hỗ trợ hạt giống khi nó nảy mầm và giúp cung cấp tất cả các chất dinh dưỡng và nguồn khoáng chất cần thiết, cùng với đó là một số chế phẩm sinh học để thực sự thúc đẩy hạt giống tăng trưởng ở giai đoạn đầu." 

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cho biết, thế giới mất đi khoảng 7 triệu ha rừng mỗi năm, con số này tương đương với diện tích của Bồ Đào Nha. Do đó, Liên hợp quốc kêu gọi giảm thiểu nạn chặt phá rừng xuống còn một nửa vào năm 2025 và chấm dứt nạn phá rừng trên toàn cầu vào năm 2030.

Ông ANDREW WALKER - Đồng sáng lập, CEO công ty AirSeed Technologies: "Một trong những sứ mệnh cốt lõi của chúng tôi là khôi phục lại sự đa dạng sinh học đã mất và đó là lý do tại sao chúng tôi lựa chọn các giống cây trồng như hiện nay. Chúng tôi đang khôi phục các khu rừng bản địa, chúng tôi đang lựa chọn hạt giống có nguồn gốc địa phương và đảm bảo rằng chúng tôi không chỉ canh tác đơn canh vì mục đích hấp thụ cacbon. Chúng tôi rất lưu tâm đến thực tế là chúng ta cần khôi phục sức khỏe của đất, chúng ta cần khôi phục hệ vi sinh vật trong đất, chúng ta cần khôi phục những vi sinh vật tạo ra môi trường sống chính cho hệ sinh thái”.

Tình trạng chặt phá rừng ở nhiều nơi trên thế giới xảy ra do hoạt động sản xuất nông nghiệp khi người dân chặt cây để lấy chỗ trồng ca cao, đậu nành, dầu dừa và nuôi gia súc. Giá trị của những khu rừng khỏe mạnh vượt xa việc giải quyết vấn đề về carbon. Chúng lọc nước, làm sạch không khí và thậm chí tạo mưa nhằm hỗ trợ nông nghiệp ở các nơi khác. Những khu rừng cũng có ý nghĩa nền tảng để duy trì đa dạng sinh học. Do đó, nhiều công ty tương tự như AirSeed Technologies hiện đang phát triển các hệ thống trồng cây bằng máy bay không người lái, trong đó có một công ty khởi nghiệp khác tại Austrlia là Dendra và Biocarbon Engineering có trụ sở tại Oxford, tất cả đều nhằm mục đích chống nạn phá rừng bằng công nghệ gieo giốngm phủ xanh những cánh rừng đã bị mất.