Công chức, viên chức nghỉ việc hàng loạt trong vòng 2 năm, Bộ trưởng thấy đáng quan ngại và phải nghiêm túc nhìn nhận

Theo thống kê có hơn 39.000 công chức, viên chức xin nghỉ việc trong hơn 2 năm. Đây là thực trạng được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập đến cũng như đề nghị các giải pháp giải quyết vấn đề này tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV ngày 27/10.

Theo các đại biểu Quốc hội, tiền lương, thu nhập của cán bộ công chức viên chức, người lao động còn thấp. Xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, nhất là trong lĩnh vực y tế và giáo dục. Đây là những thách thức hết sức lớn trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong năm 2023.

Bà NGUYỄN THỊ THUỶ - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn: "Khi dịch bệnh ập đến thì vất vả nhất là các tạm y tế xã, phường vốn đã ít người vừa phải đảm trách nhiệm vụ của 19 chương trình mục tiêu quốc gia, vừa phải tỏa đi khắp nơi để lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ, quản lý F0 và tiêm chủng vaccine. Trong khi đó lương tháng chỉ có khoảng 5 triệu đồng.

Bà NGUYỄN THỊ MAI HOA - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: “ Trong bối cảnh chúng ta đang triển khai đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông cần rất nhiều giáo viên. Hiện nay đang cần như vậy mà số lượng giáo viên nghỉ rất nhiều. Không phải là số lượng chung của cả nước mà chủ yếu đang tập trung vào một số các tỉnh, địa bàn là khu đô thị, khu công nghiệp."

Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thừa nhận vấn đề thiếu giáo viên và vấn đề giáo viên nghỉ việc, chuyển việc là 2 vấn đề có mối liên hệ mật thiết với nhau. Theo tính toán, số lượng giáo viên thiếu cần phải bù đắp, bổ sung từ nay tới năm 2026 lên đến 107.000 giáo viên.

Ông NGUYỄN KIM SƠN - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: "Vừa qua Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ đã duyệt và giao cho ngành giáo dục 65.000 chỉ tiêu và sẽ tuyển dần trong từ nay đến năm 2026. Riêng năm 2022 được duyệt 27.850 chỉ tiêu, các Sở Nội vụ của các tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các đơn vị đã bắt đầu công việc tuyển dụng giáo viên. Ngoài chỉ tiêu mới, các tỉnh, thành tuy thiếu chỉ tiêu nhưng vẫn đang tồn đọng trên 10.000 chỉ tiêu từ các năm cũ vẫn chưa tuyển được. Do đó, đề nghị các địa phương vừa tuyển số mới, vừa tiếp tục tuyển số cũ để đáp ứng được nhu cầu."

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, công chức, viên chức nghỉ việc trong hai năm diễn ra đại dịch là thách thức của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới.

Bà PHẠM THỊ THANH TRÀ - Bộ trưởng Bộ Nội vụ: “Số công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc đồng loạt trong thời điểm hơn 2 năm qua là điều chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc và cũng là một vấn đề đáng quan ngại. Về mặt chủ quan có mấy ý. Một là, tiền lương và thu nhập của công chức, viên chức còn thấp hơn do với thu nhập cùng với trình độ làm việc ở khu vực tư. Hai là, áp lực công việc đối với công chức, viên chức ngày càng cao, nhất là viên chức y tế làm việc trong bối cảnh khó khăn, nguy hiểm của đại dịch COVID-19 bùng phát. Giáo dục thì đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông, phải thay đổi phương thức làm việc trong điều kiện của đại dịch COVID-19, trong khi đó các điều kiện để thực hiện việc này còn rất nhiều khó khăn."

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng khẳng định giải pháp lớn nhất cho vấn đề này là tập trung cải cách đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương trong thời gian tới.