Còn phổ biến tình trạng ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội đã thảo luận về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư; và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023. Nhiều ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí và đánh giá cao các Báo cáo được xây dựng công phu, thể hiện được hầu hết các vấn đề nổi cộm mà cử tri quan tâm; thẳng thắn chỉ ra các vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư; và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân của một số Bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, một số ĐBQH cho rằng việc chấp hành quy định tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện, một số Bộ, ngành chưa đảm bảo theo quy định của Luật Tiếp công dân. Vẫn còn tình trạng khá phổ biến là người đứng đầu né tránh, ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều trường hợp các cơ quan có thẩm quyền trả lời cử tri một cách chung chung, không  giải quyết vấn đề cụ thể, gây phát sinh đơn thư khiếu kiện.

Phản ánh việc mở rộng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đang rất chậm, ĐBQH đề nghị phải có lộ trình cụ thể và quy trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể có liên quan.

Giải trình trước QH, Tổng Thanh tra Chính phủ  Đoàn Hồng Phong khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu để xử lý bất cập trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần quy trách nhiệm cụ thể cho cá nhân không thực hiện đúng quy định tiếp công dân, giải quyết khiếu nại.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội sẽ gửi đầy đủ ý kiến của đại biểu đến Chính phủ và các cơ quan liên quan để xử lý. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ  tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu để đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam