Cơ cấu lại nền kinh tế để phát huy năng lực nội sinh, kiến tạo động lực tăng trưởng

Chiều 19/9, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương TS.Trần Thị Hồng Minh trình bày tham luận về “Cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025: Vai trò quan trọng trong phát huy năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững”.

Trình bày tham luận TS.Trần Thị Hồng Minh cho biết, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2023 đã mang lại một số kết quả tích cực. Trong đó, cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch đáng kể theo hướng số hóa, xanh hóa, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cơ cấu lại một số lĩnh vực trọng tâm như hệ thống các tổ chức tín dụng, ngân sách nhà nước và đầu tư công đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng. Không gian kinh tế được mở rộng, tạo được động lực mới, liền mạch và bền vững hơn.

Việc ban hành và thực hiện các quy hoạch (quốc gia, ngành, vùng) gắn với hoàn thiện thể chế, chính sách liên kết vùng đã tạo điều kiện thúc đẩy dịch chuyển các nguồn lực, phát huy lợi thế của từng vùng, địa phương. Các loại thị trường tiếp tục phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững hơn….

Theo TS.Trần Thị Hồng Minh, những kết quả trên có được là nhờ một số nguyên nhân quan trọng. Lãnh đạo các cơ quan Đảng, Quốc hội đã rất quan tâm, chỉ đạo, đồng hành cùng với Chính phủ. Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cũng đã quyết liệt trong triển khai thực hiện trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối và các nhiệm vụ trọng tâm tại Nghị quyết số 31/2021/QH15. Bên cạnh đó, sau nhiều năm Chính phủ kiên trì thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế với sự đồng hành và giám sát của Quốc hội, có thể nói cơ cấu lại nền kinh tế đã dần đi vào nề nếp, trở thành một nét “rất riêng” ngay trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Phân tích bối cảnh, tình hình hiện nay, TS.Trần Thị Hồng Minh nêu rõ, Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển, có khát vọng phát triển với tầm nhìn 2045, và lại ở một khu vực châu Á-Thái Bình Dương phát triển năng động. Chính vì vậy, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và an sinh xã hội chính là những nền tảng không thể thiếu, song vẫn phải phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu đề ra, trong đó có thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có chất lượng, có tính bền vững.

TS.Trần Thị Hồng Minh cho rằng, điểm tích cực là đã có những nền tảng cho “đổi mới tư duy”. Tuy nhiên, hiện thực hóa những tư duy ấy đòi phải có đánh giá thấu đáo, toàn diện hơn về nội lực của nền kinh tế. Nội lực ấy không chỉ giới hạn ở lượng tiền, vàng và các tài sản khác mà người dân Việt Nam đang nắm giữ, mà cần khai thác nguồn lực về thể chế.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số