Chuyên gia y tế tư vấn cách phòng ngừa vi khuẩn ăn thịt người (Whitmore)

Bệnh Whitmore hay còn gọi là vi khuẩn ăn thịt người được phát hiện lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1925, sau đó xuất hiện rải rác qua các năm tại một số địa phương và gần đây được phát hiện tại các bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế. Và mới đây nhất, tại Đắk Lắk đã ghi nhận ca bệnh Whitmore đầu tiên, gây tâm lý hoang mang, lo sợ với người dân.

Trường hợp đầu tiên mắc Whitmore tại tỉnh Đắk Lắk là một cháu gái 9 tuổi ở thôn Chiềng, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp. Bệnh nhân  đã  đến nhiều phòng khám tư nhân, trung tâm y tế huyện và được chẩn đoán các bệnh quai bị, áp xe tai và được cho uống thuốc liên tục nhưng không thuyên giảm. Sau đó được chuyển lên bệnh viện Đa khoa vùng Tây nguyên. Tại thời điểm có kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn ăn thịt người Burkholderia Pseudoma llei vào ngày 9/6, thì tình trạng bệnh nhân đang ở giai đoạn có tiên lượng nặng, nhiễm trùng máu, viêm màng não.

Bà LƯƠNG THỊ HOA, Mẹ bệnh nhân: “Khám ở trạm y tế bác sĩ bảo là cháu bị quai bị thôi. Không thấy con đỡ thì vợ chồng mình chuyển con lên tuyến trên. Lúc này bác sĩ mới báo con bị căn bệnh này. 2 vợ chồng giật cả mình”

Tiến sĩ, Bác sĩ TRẦN THÚY MINH, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp, bệnh viện Đa khoa vùng Tây nguyên: "Bệnh nhân này vào viện trong tình trạng sốt cao liên tục và rất là mệt. 2 tuyến mang tai sưng nóng đỏ đau. Sau khoảng 2 lần đổi thuốc, và tích cực điều trị thì hiện tại tình hình bệnh nhấn tạm ổn, mặc dù trong quá trình điều trị nhiều lần chuyển biến nặng với các tổn thương đa cơ quan, nhiễm trùng.Bệnh này không có triệu chứng đặc hiệu từ ban đầu để chúng ta có thể phát hiện ra nó mà các triệu chứng cũng giống như tất cả các trường hợp tổn thương đường huyết các cơ quan do đó ngay từ ban đầu rất khó nhận ra".

Sau khi ghi nhận trường hợp đầu tiên trên địa bàn mắc bệnh Whitmore, trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC Đắk Lắk đã nhanh chóng phản hồi thông tin cho các đơn vị liên quan, đồng thời tổ chức điều tra và giám sát dịch tễ tại cộng đồng để phòng tránh bệnh lây lan.

Ông LÊ PHÚC, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Lắk :  “Hiện nay trên địa bàn tỉnh, đặc biệt Ea Súp rõ ràng đã có dịch tễ về bệnh Whitmore. Chính vì thế chúng ta phải tuân thủ khuyến cáo của ngành y tế đối với phòng chống bệnh này. Đó là chúng ta không nên thường xuyên tiếp với đất, nước có nguồn ô nhiễm mà không sử dụng các bảo hộ, hoặc là nếu phải tiếp xúc thì nên bảo hộ cho tốt”.

Whitmore là căn bệnh nguy hiểm, vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei khi vào cơ thể sẽ thâm nhập vào các bộ phận, thường gặp ở phổi, và nó có khả năng cao tàn phá nhiều cơ quan nội tạng khác. Khả năng người và động vật nhiễm bệnh cao thường vào mùa mưa hoặc ở những nơi có nguồn nước và đất bị ô nhiễm. Bệnh truyền nhiễm có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, rất khó phát hiện do dễ nhầm lẫn với các bệnh thông thường khác. Cơ chế lây của bệnh cũng chưa rõ ràng nên người dân càng phải tuân thủ khuyến cáo của ngành y tế và khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm để phát hiện và điều trị kịp thời.

Đức Hưng