Chung tay bảo tồn môi trường vịnh Nha Trang

Vịnh Nha Trang là nơi có hệ sinh thái rạn san hô đa dạng sinh học cao bậc nhất của Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên gần đây, môi trường biển vịnh Nha Trang đang đứng trước tác động tiêu cực chủ yếu từ hoạt động của con người. Do đó, tỉnh Khánh Hòa huy động sự chung tay góp sức của cộng đồng để nỗ lực bảo vệ tài nguyên, môi trường biển.

Để thực hiện kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030, thành phố Nha Trang đã triển khai 16 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. Ngoài việc tạm dừng hoạt động có nguy cơ gây hại đến môi trường và rạn san hô tại khu vực biển Hòn Mun và vịnh Nha Trang, trong vòng 1 năm, Ban Quản lý vịnh Nha Trang đã phối hợp với các đơn vị thả 12.000 con giống, trồng hơn 2ha rừng ngập mặn quanh khu vực vịnh nhằm thúc đẩy tiến trình phục hồi hệ sinh thái vịnh nhanh hơn.

Thành phố Nha Trang đã phối hợp với chuyên gia, nhà khoa học để tìm kiếm giải pháp phục hồi san hô. Kết quả khảo sát vào tháng 3/2023, phía Bắc và Tây Nam Hòn Mun có độ phủ san hô sống chiếm khoảng 74,5%; san hô khu vực phía Tây Bắc và phía Tây Hòn Mun bị gãy đổ do cơn bão số 9 tháng 12/2021 thì nay có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ.

Phục hồi vịnh Nha Trang và rạn san hô bị suy thoái là việc làm lâu dài, phức tạp từ nay đến năm 2030, đòi hỏi phải huy động được doanh nghiệp, cộng đồng dân cư sống trong và lân cận địa bàn quản lý vịnh Nha Trang tham gia giám sát, bảo vệ cũng như bảo tồn rạn san hô trong vịnh gắn với phát triển sinh kế bền vững và hoạt động kinh tế thân thiện với môi trường.

Theo các nhà khoa học, mỗi năm san hô khối chỉ phát triển được 1cm. Và để nuôi được một rạn san hô thành công phải mất đến hàng nghìn, thậm chí là hàng triệu năm. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng, chú trọng cách ứng xử thân thiện với môi trường, tạo sinh kế bền vững cho người dân chính là hành động tốt nhất để trả lại cho tự nhiên sự cân bằng vốn có.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Văn Lệ -

Nguyễn Minh