Chú trọng phát triển 4 vùng động lực quốc gia, hành lang kinh tế

Quy hoạch tổng thể quốc gia cần chú trọng phát triển vùng động lực quốc gia, vùng kinh tế trọng điểm, hành lang kinh tế. Đây là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, không xác định vùng kinh tế trọng điểm mà xác định vùng động lực và hành lang kinh tế. Theo đó, sẽ hình thành 4 vùng động lực quốc gia, bao gồm: Vùng động lực phía Bắc; vùng động lực phía Nam; vùng động lực miền và vùng động lực Đồng bằng sông Cửu Long với các cực tăng trưởng tương ứng của mỗi vùng là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Đến năm 2030, phát triển các hành lang kinh tế ưu tiên gồm: Hành lang kinh tế Bắc - Nam và 02 hành lang kinh tế Đông - Tây. Trong dài hạn, từng bước hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía Tây qua địa bàn Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và 06 hành lang kinh tế Đông – Tây. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần tính toán thêm kinh tế mậu biên, cửa khẩu.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng, việc hình thành các hành lang kinh tế là nhằm tăng cường tính liên kết nội vùng, liên vùng và cả nước. Các hành lang giao thông này đã có và sẽ trở thành các hành lang trọng điểm kinh tế.

Trong quá trình phát triển, chúng ta sẽ điều chỉnh và bổ sung các vùng động lực mới để phát huy được tối đa tất cả các lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của các vùng, các địa phương.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam