Chủ tịch Quốc hội làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre

Ngày 01/04, tại trụ sở Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre tình hình kinh tế, xã hội và nghe báo cáo về đề xuất, kiến nghị của Bến Tre trong thực hiện triển khai chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội khóa XV.

Theo báo cáo của Lãnh đạo tỉnh Bến Tre, tỉnh xác định giai đoạn 2020-2025 sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp đồng bộ và giải pháp trọng tâm, đặc biệt là phát triển Bến Tre về hướng Đông, mở không gian phát triển trên thực địa về hướng biển, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững.  Bến Tre cũng để ra 11 công trình trọng điểm để thực hiện, tạo động lực phát triển toàn diện. Bến Tre đề xuất được trực tiếp tiếp cận vốn ODA theo hình thức hòa vào ngân sách, cấp phát cho tỉnh, thành và một phần vay lại để đầu tư phát triển tuyến động lực và hành lang kinh tế ven biển nối thành phố HCM và các tỉnh vùng đồng bằng song Cửu Long.

Hiện nay tỉnh đang định hướng phát triển Khu kinh tế biển thuộc phạm vi 3 huyện ven biển, đề nghị Quốc hội và Chính phủ cho phép Bến Tre triển khai thí điểm Dự án lấn biển tại một số khu vực bờ biển của tỉnh. Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội 2022-2023, Bến Tre đề xuất Trung ương xem xét, hô trợ cho địa phương đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và chuyển đổi số với tổng mức hỗ trợ khoảng 6.564 tỷ đồng. Cụ thể là đầu tư dự án đường gom đường vào cầu Rạch Miễu 2; đường từ cảng Giao Long đến Khu công nghiệp Phú Thuận, dự án đường Bắc Nam phục vụ Khu công nghiệp Phú Thuận, cụm công nghiệp Phong Nẫm và nhiều dự án hạ tầng giao thông khác để kết nối giao thông liên kết vùng giữa các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Tỉnh Bến Tre cũng đề nghị hỗ trợ bảo tồn di tích cấp quốc gia đặc biệt nhằm kết nối di tích với các điểm di tích, di sản văn hóa và danh lam thắng cảnh nổi tiếng của khu vực với số vốn đề xuất là khoảng hơn 2000 nghìn tỷ. 

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, các Bộ, ngành đã phát biểu về định hướng phát triển và các đề xuất của tỉnh Bến Tre. Nhất trí với đề xuất thí điểm Dự án lấn biển tại một số khu vực bờ biển, các đại biểu đề nghị tỉnh tính toán kỹ về tác động môi trường về dòng chảy, môi trường sinh thái.  Ủng hộ sớm đầu tư đường gom dọc đường dẫn cầu Rạch Miễu 2, đảm bảo kết nối thuận lợi cho dân cư dọc hai bên tuyến, đồng bộ với quy hoạch đô thị của địa phương, sớm rà soát các nguồn vốn, tham mưu Chính phủ, Quốc hội xem xét, quyết định việc bố trí vốn cho Dự án.   Các đại biểu cũng ủng hộ chủ trương đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng cụ thể khác để từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch, kết nối các khu công nghiệp, vùng kinh tế. Đồng thời đề nghị Bến Tre phối hợp với các Bộ rà soát các nguồn vốn, tham mưu Quốc hội xem xét, quyết định việc bố trí vốn.

Bến Tre và các địa phương cần bám sát quy định của Nghị quyết 43 của Quốc hội, bố trí vốn trọng tâm, trọng điểm; chủ động rà soát, đề xuất các dự án, tránh dàn trải, tập trung bố trí vốn cho các dự án dở dang, sớm hoàn thành dứt điểm, đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội.  Về hỗ trợ chuyển đổi số tỉnh Bến Tre, tỉnh sớm báo cáo Chính phủ và các Bộ, ngành để tổng hợp vào danh mục của Chương trình phục hồi kinh tế để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội  xem xét.  

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao những thành tựu phát triển của tỉnh Bến Tre, "quê hương của Phong trào Đồng khởi", vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, kiên cường, dũng cảm trong kháng chiến, cần cù, sáng tạo trong xây dựng phát triển.  Nhắc lại nội dung tại cuộc làm việc với Ban thường vụ tỉnh ủy dịp trước Tết nguyên đán vừa qua, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Bến Tre đã vượt qua, vừa kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, vừa đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế.  Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng chia sẻ với những khó khăn của Bến Tre, nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, giao thông, thủy lợi, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.  Chủ tịch Quốc hội cho rằng, mặc dù đã nỗ lực nhưng thu hút đầu tư của Bến Tre rất khó khăn.  Trong bối cảnh thực hiện quy  hoạch Đồng bằng sông Cửu Long và chuẩn bị triển khai NQ của Bộ chính trị về Đồng bằng sông Cửu Long thì việc hỗ trợ nguồn lực là hết sức quan trọng và Trung ương rất quan tâm. 

Đồng tình với các định hướng phát triển của Bến Tre theo Nghị quyết  Đại hội Đảng bộ tỉnh và phát biểu của các Bộ, ngành, Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Bến Tre cần đặc biệt coi trọng công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch 5 năm tới, quy hoạch dài hơi và đi trước 1 bước. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị kỹ, chủ động với các đề án, dự án đầu tư, huy động thêm các nhà khoa học, tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan trung ương và các Ủy ban của Quốc hội sẵn sàng tham gia để có căn cứ khoa học thực tiễn. Về các kiến nghị của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đều rất chính đáng, nhất là quy mô đầu tư cho Bến Tre chưa nhiều,  Nhấn mạnh phát triển kinh tế nói chung và kinh tế biển, vùng ven biển nói riêng cần được quan tâm, khai thác để phát huy lợi thế, động lực tăng trưởng toàn diện hơn nữa. Đó không chỉ mang ý nghĩa kinh tế - xã hội, phát huy tiềm năng du lịch, kinh tế biển mà còn có vai trò quan trọng trong góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng.  

Trên cơ sở các nguyên tắc theo Nghị quyết số 43 và đề xuất của tỉnh Bến Tre, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu rà soát việc đáp ứng được nguyên tắc, trật tự ưu tiên. Việc đưa vào danh mục sẽ được xem xét trên phạm vi tổng thể cả nước, thực hiện đúng theo nguyên tắc, tiêu chí quy định, bảo đảm tính hợp lý giữa các địa phương, vùng, miền, lĩnh vực. Đánh gia cao tinh thần phối hợp công tác, trách nhiệm đối với tỉnh Bến Tre của Lãnh đạo các Bộ, đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, xây dựng;  Chủ tịch Quốc hội giao Văn phòng Quốc hội và các Ủy ban tổng hợp, báo cáo bằng văn bản về những kiến nghị đề xuất của tỉnh Bến Tre, trên cơ sở quy định của pháp luật để báo cáo Quốc hội và Chính phủ xem xét giải quyết

Quang Sỹ