Chủ tịch Hạ viện Mỹ đối diện thách thức từ nhóm Nghị sĩ cực hữu đảng Cộng hòa

Vị trí của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đang gặp nhiều thách thức, đặc biệt là sự bất mãn trong nội bộ đảng Cộng hòa. Nghị sĩ Matt Gaetz, một người có quan điểm cực hữu, ngày hôm qua đã tiến hành thủ tục bỏ phiếu đòi phế truất ông Kevin McCarthy.

CHIẾC GHẾ CHỦ TỊCH HẠ VIỆN MỸ LUNG LAY

Những tuyên bố của Nghị sĩ Cộng hòa Gaetz được đưa ra sau khi ông đệ trình đề nghị bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, kích hoạt quá trình bỏ phiếu tại cơ quan này. Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu về đề xuất của ông Gaetz trong vòng hai ngày. Động thái của ông Gaetz diễn ra 1 ngày sau khi ông McCarthy đạt đồng thuận với phe Dân chủ để duyệt nghị quyết duy trì ngân sách cho chính phủ hoạt động thêm tối thiểu 45 ngày.

Về phần mình, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy tuyên bố sẵn sàng đối mặt với bất kỳ mối đe dọa nào.

MẤT LÒNG VÌ NHỮNG THỎA HIỆP

Theo giới quan sát, nguy cơ mất đi chiếc ghế Chủ tịch Hạ viện Mỹ của ông Kevin McCarthy xuất phát từ chính những nhượng bộ mà ông đã chấp nhận hồi đầu năm nay để đắc cử vào vị trí này.

Cụ thể, hồi đầu tháng 1, ông McCarthy đã gom đủ số phiếu cần thiết ở vòng biểu quyết thứ 15 sau nhiều ngày bế tắc, với nhượng bộ là thay đổi quy tắc để cho phép bất cứ hạ nghị sĩ nào, dù thuộc đảng Cộng hòa hay Dân chủ, cũng có thể kêu gọi một cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện Mỹ, mà không cần thêm sự ủng hộ từ ai khác.

Trên thực tế, vẫn có thể ngăn chặn đề xuất bãi nhiệm bằng cách ngăn nó được đem ra bỏ phiếu trong phiên toàn thể. Một nghị sĩ có thể nộp kiến nghị yêu cầu đình chỉ xem xét đề xuất hoặc yêu cầu chuyển nó cho ủy ban chuyên trách cân nhắc. Trong trường hợp những nỗ lực chặn này không thành công, đề xuất bãi nhiệm sẽ được thông qua nếu đạt số phiếu quá bán.

Nếu ông McCarthy bị bãi nhiệm, Hạ viện phải lập tức khởi động bầu lại chủ tịch, song quy trình triển khai và lựa chọn ứng viên vẫn còn mơ hồ do đây là sự kiện chưa từng có tiền lệ. Để đảm bảo cơ quan lập pháp được vận hành liên tục, Hạ viện Mỹ sẽ có chủ tịch tạm quyền, dựa vào danh sách những người kế nhiệm trong trường hợp khẩn cấp do ông McCarthy soạn sẵn khi nhậm chức vào tháng 1.

Trước mâu thuẫn nội bộ của đảng Cộng hòa, phe Dân chủ đến nay chưa thể hiện rõ ý định can thiệp hay đứng ngoài cuộc hoàn toàn. Một số nghị sĩ Dân chủ không muốn "đổ thêm dầu vào lửa”, trong khi nhiều người khác cũng không mặn mà với ý tưởng "giải cứu" ông Kevin McCarthy. Họ cảm thấy ông McCarthty đã đẩy Hạ viện vào hỗn loạn vì từ đầu đã nhượng bộ và trao quyền quá nhiều cho phe cực hữu.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!