Chính phủ trình dự án luật nhưng chưa rõ chính sách, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu bổ sung, hoàn thiện

Trong phiên thảo luận sáng 11/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất chủ trương về việc bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Tuy nhiên, qua xem xét hồ sơ, còn nhiều vấn đề về chính sách chưa đủ rõ, cần phải làm rõ hơn.

Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao lại cho Chính phủ khẩn trương chuẩn bị hồ sơ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong các phiên họp tới.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ việc sửa luật là cấp bách, đã 2 lần Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát về cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đều đề cập vấn đề này. Tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc chuẩn bị dự thảo của Chính phủ là không kỹ, các chính sách không rõ ràng khi mà rất nhiều việc “đại sự” chưa được đề cập như vấn đề về cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hiện có vài nghị định nhưng công tác cổ phần hóa mấy năm nay vẫn đóng băng; vấn đề sắp xếp đất đai, cổ phần hóa, cổ đông chiến lược; hay vấn đề tách bạch chức năng giữa quản lý nhà nước và cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Tôi đề nghị phải nghiên cứu bổ sung thêm một loại chính sách rất quan trọng, tức là tiếp tục phân định tách bạch chức năng giữa quản lý Nhà nước và cơ quan đại diện chủ sở hữu. Trong Luật 69 nói rõ các bộ, ngành chỉ làm 4 việc: Một là làm theo luật; Hai là chiến lược phát triển doanh nghiệp; Ba là định mức, đơn giá, dự toán; Bốn là công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Còn thêm chút nữa là vấn đề dữ liệu thôi. Vì thế, chúng ta mới có căn cứ tách các tập đoàn, tổng công ty ra khỏi các bộ quản lý Nhà nước. Bộ trong luật này chỉ quy định 5 việc đó thôi. Bây giờ chúng ta có khẳng định tiếp tục làm mấy việc hay không. Nếu mà luật loại trừ hết cái này ra thì có cần thiết phải sửa không? Sửa cái này là cơ hội để làm chuyện này. Bây giờ đang có chủ trương để tổng kết đánh giá việc này thì nên tổ chức tổng kết, đánh giá và đưa vào luật này cho rõ ràng.”

Đại diện Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng đồng tình cần phải tách bạch, làm rõ mối quan hệ của cơ quan đại diện chủ sở hữu này với các cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình thực hiện quản lý của doanh nghiệp để phân định rõ trách nhiệm.

Ông HỒ SỸ HÙNG, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: “Ban Quản lý vốn rất mong muốn có nội dung này để làm rõ. Qua nội dung này quy định được mối quan hệ, quy định trình tự và phối hợp giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu và các cơ quan quản lý Nhà nước khác, mối quan hệ giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu và pháp nhân độc lập của một doanh nghiệp để đảm bảo quyền hạn chủ động của doanh nghiệp này theo tư cách là một pháp nhân độc lập theo quy định pháp luật.”

Giải trình lý do khi không đưa chính sách này trong luật sửa đổi, đại diện Bộ Tài Chính và Bộ Tư pháp cho rằng, việc này sẽ được quy định trong pháp luật về tổ chức chứ không phải ở pháp luật chuyên ngành.

Ông NGUYỄN ĐỨC CHI, Thứ trưởng Bộ Tài chính: “Với cách tiếp cận như vậy nên Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ theo cách đó. Bây giờ trên tinh thần chỉ đạo của Ủy ban, gợi ý của Chủ tịch thì Bộ Tài chính sẽ tiếp thu và Bộ Tài chính sẽ có báo cáo rất cụ thể với Chính phủ các chính sách liên quan đến vấn đề này. Đấy là nội dung về cơ quan đại diện chủ sở hữu.”

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho biết thêm, trong kết luận cuộc họp giao ban của lãnh đạo cấp cao mới đây đã có quy định về khẩn trương tổng kết, đánh giá kết luận của Bộ Chính trị về việc thành lập và hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Vì vậy Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến; bảo đảm yêu cầu kịp thời điều chỉnh những vấn đề mới mà thực tiễn đặt ra; khắc phục được những tồn tại, hạn chế, bất cập của luật hiện hành; thể chế hóa đầy đủ các chủ trương mới của Đảng và Quốc hội, nhất là các vấn đề liên quan đến quản lý vốn, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, đất đai, tiếp tục tách bạch chức năng quản lý nhà nước và đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp.

Anh Đức