• 1381 lượt xem
  • 20:10 23/07/2022
  • Kinh tế

Chính phủ sớm ban hành nghị định quy định cho các tổ chức được giao quản lý quỹ nhà

Từ những hạn chế qua thực tế quản lý quỹ nhà chuyên dùng tại các địa phương, Bộ Tài chính đã rà soát, tổng hợp thực trạng này tại 31 địa phương báo cáo trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất, giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà do địa phương quản lý.

Cụ thể về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính.

PV:Từ thực tế Hà Nội, việc quản lý quỹ nhà chuyên dùng do các công ty quản lý nhà hiện nay còn nhiều bất cập. Quan điểm từ phía Bộ về việc hoàn thiện hơn mô hình hoạt động của công ty quản lý hiện nay như thế nào?”

Ông NGUYỄN TÂN THỊNH, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản, Bộ Tài chính: “Qua rà soát và tổng hợp báo cáo của các địa phương, hiện nay trong cả nước có 31 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương có quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước. Cái này thì Bộ Tài chính cũng đã tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình quản lý sử dụng và khai thác các quỹ nhà này. Qua tổng kết trên cơ sở báo cáo các địa phương cho thấy, hiện nay đối tượng được giao quản lý đối với quỹ nhà này đang còn sự khác nhau giữa các địa phương và các cơ chế áp dụng cho việc quản lý và khai thác đối với quỹ nhà này còn khác nhau."

Do vậy để đảm bảo thống nhất quy chế trong quản lý sử dụng và khai thác đối với quỹ nhà này thì Bộ Tài chính đã đề xuất báo cáo với Thủ tướng xây dựng một nghị định để quy định chi tiết hơn các nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng và khai thác đối với quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước. Khi đó sẽ xác định quỹ nhà nào còn tiếp tục giữ, quỹ nhà nào phải xử lý theo các quy định của pháp luật có liên quan và nếu giữ lại thì sẽ giao cho đối tượng nào quản lý, gắn với cơ chế sử dụng và khai thác đối với từng loại hình tổ chức đó”.

PV: “Hiện nay, Hà Nội cũng như một số địa phương khác chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu về quỹ tài sản công là nhà và đất. Vậy làm thế nào đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở dữ liệu này?”

Ông NGUYỄN TÂN THỊNH, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản, Bộ Tài chính: “Cho đến thời điểm này, Bộ Tài chính đã có số liệu tổng hợp về tình hình tài sản công của 6 nhóm. Số liệu đã được bộ ngành, địa phương cập nhật vào trong cơ sở dữ liệu và Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành địa phương để rà soát, chuẩn hoá số liệu đã đăng nhập.

Ngoài ra, đối với một số loại tài sản khác, theo quy định hiện nay, các bộ quản lý chuyên ngành sẽ tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu chung, thống nhất để áp dụng cho cả Trung ương và địa phương. Tuy nhiên, những loại tài sản như thế hiện vẫn chưa đầy đủ theo quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản công. Do đó, Bộ Tài chính đang thực hiện dự án để nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công nhằm từng bước nắm một cách đầy đủ các loại tài sản công theo quy định của luật. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, sử dụng đối với tài sản công cần có thời gian và sự đầu tư cả về công sức cả về con người và cả về nguồn lực để chúng ta thực hiện."

Xin cảm ơn ông! 

Hải Yến