Châu Âu đối mặt bất ổn chính trị

Phong trào biểu tình phản đối bão giá, lạm phát đang lan rộng tại châu Âu, Từ Pháp, Đức, tới Anh, Tây Ban Nha, Séc, Rumani. Bức tranh khái quát đang cho thấy nguy cơ bất ổn chính trị có thể xảy ra trong tương lai gần, nều các chính phủ châu Âu không nhanh chóng đưa ra giải pháp đối phó.

BẤT ỔN LAN RỘNG

Sự bất bình không chỉ còn âm ỉ mà đã bùng cháy và đang ngày càng gia tăng ở châu Âu, biến thành các cuộc tuần hành và biểu tình với số người tham gia ngày càng tăng.

Chỉ mới sáng nay thôi, hàng chục nghìn người ở 6 thành phố của Đức đã kéo xuống đường, nối dài thêm danh sách các nơi diễn ra biểu tình tại châu Âu. Người biểu tình kêu gọi chính phủ có các biện pháp hỗ trợ nhằm đối phó với tình trạng giá năng lượng và chi phí sinh hoạt không ngừng leo thang.

Người biểu tình Đức: "Gánh nặng đè lên những người có thu nhập thấp, những người vẫn phải đi thuê nhà. Chúng tôi kêu gọi giảm giá điện, giá gas, cần có những hỗ trợ sâu

Người biểu tình Đức: "Rất nhiều người đang sống trong lo sợ. Chỉ đủ để sống qua ngày. Chính phủ đã có nhiều biện pháp để hỗ trợ nhưng vẫn còn quá phân tán."

 Đình công của công nhân nhà máy lọc dầu đã diễn ra nhiều ngày tại Pháp, không chỉ gây bất ổn và xáo trộn cuộc sống mà cũng đã lan sang nhiều lĩnh vực khác.

Bà MARIE TOUGNE, Công ty L’Oreal: "Với chi phí sinh hoạt và năng lượng ngày càng tăng, với dịch bệnh COVID, chúng tôi không thể chịu đựng hơn được nữa. Lạm phát tràn lan, tăng lương không đủ chi trả."

Người lao động Tây Ban Nha xuống đường, đình công kéo dài tại Anh cũng không còng gây bất ngờ. Sự thất vọng của người dân đối với các chính phủ ngày càng tăng, có nguy cơ gây bất ổn chính trị trên diện rộng.

PHÉP THỬ VỚI CHÂU ÂU

Giá năng lượng đã khiến lạm phát ở 19 quốc gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu lên mức kỷ lục 9,9%.

Người châu Âu, vốn đã quay cuồng với lạm phát vì tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và những hệ lụy của đại dịch COVID19, giờ chứng kiến và chịu đựng mọi thứ tồi tề hơn từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.

Các cuộc thăm dò cho thấy mức độ ủng hộ của người dân châu Âu với Ukraine và các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga bắt đầu sụt giảm. Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng ngày càng trở nên trầm trọng khi mùa đông đến gần. Đó cũng sẽ là phép thử đối với nỗ lực hỗ trợ của châu Âu dành cho Ukraine trong xung đột kéo dài với Nga.

Người biểu tình Đức: "Tôi tin rằng rồi các cuộc biểu tình sẽ còn trở nên tồi tệ hơn, bởi vì chúng ta mới bắt đầu cuộc khủng hoảng này, và trước mắt là một mùa đông khó khăn. Khi nó ập đến, các cuộc biểu tình và sự phẫn nộ của người dân cũng sẽ tăng."

Nếu nguồn cung cấp khí đốt từ châu Âu vào mùa đông này bị gián đoạn, châu Âu có thể sẽ thấy tình trạng bất ổn dân sự, rủi ro và bất ổn của các chính phủ gia tăng hơn nữa, nếu họ không thể tìm thấy một giải pháp cho tình hình hiện nay.

Hồng Nhung