Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Siết chặt quy định về đấu giá đất

Tại phiên chất vấn chiều 16/3, đất đai là nhóm vấn đề “nóng” nhận được sự quan tâm đặt câu hỏi của đa số đại biểu Quốc hội. Các câu hỏi chất vấn với Bộ trưởng Trần Hồng Hà đều liên quan đến trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng nhằm trục lợi cá nhân trong đấu giá đất.

Các Đại biểu Quốc hội đã nêu câu hỏi của cử tri về các vấn đề liên quan đến việc đấu giá đất ở nhiều nơi, nhà đầu tư đấu giá trên trời rồi bỏ cọc, như tại khu đô thị Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh; tình trạng sốt đất ảo, tạo mặt bằng giá đất mới; phát triển đô thị không theo quy hoạch…

Ông NGUYỄN ĐẠI THẮNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên: Dư luận cử tri nêu việc đấu giá đất tại nhiều nơi có hiện tượng bắt tay ngầm. Có nhiều trường hợp nhà đầu tư trả giá trên trời rồi âm thầm bỏ cọc. Kết quả trúng đấu giá cao ngất ngưởng, gấp nhiều lần giá khởi điểm, điển hình như vụ đấu giá đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức vừa qua. Điều đó làm nhiễu loạn thị trường, đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao, tạo ra hiện tượng sốt đất ảo, thiết lập mặt bằng giá đất mới khiến quá trình giải phóng mặt bằng triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, gây mất trật tự an ninh xã hội. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp như thế nào trong thời gian tới để khắc phục tình trạng nêu trên.

Bà ĐỖ THỊ VIỆT HÀ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: Thực trạng hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất thời gian qua cho thấy có hiện tượng tham gia đấu giá để đầu cơ, găm hàng thổi giá, thao túng thị trường để trục lợi dẫn đến tình trạng sau khi trúng đấu giá, có những diện tích đất bị bỏ hoang, không hoặc chậm đầu tư gây lãng phí, trả giá cao rồi không nộp tiền trúng đấu giá bỏ cọc. Từ thực trạng này, một số cử tri cũng đã đề xuất cần rà soát, hoàn thiện các quy định về xác định giá khởi điểm đấu giá đất để đảm bảo khách quan, minh bạch, phù hợp với giá thị trường. 

Đối với câu hỏi nhận được sự quan tâm đặc biệt này của các đại biểu, cử tri và nhân dân cả nước, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc đấu giá đất thời qua không chỉ là thổi giá, mà còn dìm giá, quân xanh quân đỏ dẫn đến rất nhiều hệ lụy đối với nền kinh tế và thậm chí ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ. Nguyên nhân về mặt pháp luật được chỉ ra là do, việc đấu giá đất được điều chỉnh bởi các luật khác nhau nhưng các quy định lại chưa chặt chẽ, thiếu cụ thể. Vì vậy, phải có quy định về phương thức, trình tự đấu giá với tài sản đất đai chặt chẽ hơn.

Ông TRẦN HỒNG HÀ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Về góc độ Luật Đất đai thì mới quy định về điều kiện các doanh nghiệp tham gia đấu giá nhưng chưa quy định các điều kiện đó cụ thể thế nào, đặc biệt là vấn đề thể hiện năng lực của doanh nghiệp. Đó là vấn đề thể hiện doanh nghiệp chấp hành các kỷ cương pháp luật nói chung, không để xảy ra tình trạng này khác. Hay những vấn đề trong kinh nghiệm thực tiễn. Những vấn đề này chưa được quy định rõ ràng, kể cả tiền đặt trước hay tiền đặt cọc, v.v.. Hoặc trong trường hợp giá mặt bằng, giá khởi điểm với vấn đề phát sinh đấu giá tăng lên nhiều lần thì như thế nào; xác định thế nào là một cuộc đấu giá bình thường, như thế nào là một cuộc đấu giá không bình thường cần phải được quy định bởi pháp luật để cho người tổ chức tham gia đấu giá vừa chịu trách nhiệm, nhưng vừa có cơ sở pháp lý để điều chỉnh các vấn đề đó.

Ông NGUYỄN HỮU THÔNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận: Hiện nay, việc xác định giá khởi điểm để đấu giá đất hiện nay còn rất nhiều bất cập. Có lúc thì giá quá cao, có lúc xác định giá thấp, lúc lại lợi dụng để trục lợi. Vậy trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có giải pháp nào để xử lý vấn đề trên.

Ông TRẦN HỒNG HÀ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Chúng ta phải xem xét để làm sao việc đấu giá quy trình, thủ tục chặt chẽ hơn. Chúng ta sẽ đề xuất thêm các chế tài mạnh mẽ hơn, kể cả hình sự lẫn các chế tài về kinh tế. Tôi cho rằng chế tài về kinh tế hết sức quan trọng nhưng làm sao đủ để người ta phân tích rằng nếu người ta làm việc này sẽ không còn hiệu quả kinh tế. Bài toán này chúng ta phải tính từ tiền đặt cọc trước, từ vấn đề khi nâng lên 10 lần thì cam kết tiền đó ở đâu? Nguồn gốc ở đâu? Nó phải có sẵn ở trong đấy, nếu cam kết lên mà không có, không thể chứng minh được. Thẩm định hồ sơ giá chỉ 15 ngày là không được, cần phải đi trước bước đấu giá là thẩm định và thẩm định đó thì chúng ta phải làm một cách rất căn cơ. Tức là thông qua ngân hàng, thông qua các hồ sơ đất đai, thông qua lý lịch của các nhà đấu giá để xem thế nào. Hiện nay 15 ngày chính là bằng thời gian để tổ chức đấu giá một vật dụng quý thôi thì không phù hợp. 

Tiếp tục nhấn mạnh quan điểm phải siết chặt việc đấu giá đất, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc siết chặt ở đây là xác định được năng lực nhà đầu, nâng mức tiền đặt cọc và chuyển tiền này vào tài khoản do Hội đồng đấu giá quản lý, thời gian nộp tiền trúng đấu giá cũng phải ngắn hơn. Bên cạnh đó phải cam kết thực hiện mục tiêu đấu giá, tránh đấu giá xong để đất hàng năm trời không sử dụng gây lãng phí xã hội. Bộ trưởng cũng trao đổi về giải pháp cho vấn đề giá đất khởi điểm trong đấu giá đất.

Ông HỒ ĐỨC PHỚC, Bộ trưởng Bộ Tài chính: Giá khởi điểm của đấu giá đất là chúng ta xác định theo đúng Nghị định 44 và Thông tư 36 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, Nghị định 44 và Thông tư 36 phải sửa, bởi vì nếu Nghị định 44 và Thông tư 36 không sửa thì giá đất vẫn xác định một cách không chính xác và không nhất quán. Nếu không sửa thì đoàn kiểm tra này, đoàn thanh tra kia vẫn kết luận khác nhau. Bởi vì chúng ta lấy doanh thu giả định, chi phí giả định để tính ra giá chính thức thì tôi nghĩ không chính xác. 

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Người theo Nghị định 45 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất thì giao đất xong mới thu tiền, dẫn đến nhà đầu tư có đất rồi bán lẻ lấy tiền của dân nhưng không nộp ngân sách mà đem đi đầu tư, rồi có thể thua lỗ thì không giải quyết được cho hàng vạn hộ dân. Đây là một lỗ hổng cần xác định chính xác để xử lý./.

Như Thảo